Sầm Sơn: Đi tìm sự thật và những uẩn khúc phía sau 02 bản kết luận giám định

Không đưa bệnh án của bị hại vào giám định là vi phạm tố tụng nghiêm trọng?

Kết luận giám định là chứng cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, cơ chế hình thành dấu vết, tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; những tình tiết liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án, để đảm bảo việc xử lý vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, mới đây Pháp luật Plus nhận được đơn kêu oan của bị cáo Cao Duy Đức Anh (SN 2004) và Cao Văn Đạt (SN 2004) cùng trú tại Sầm Sơn Thanh Hóa về việc, cơ quan tố tụng Sầm Sơn không giám định lại, giám định không đúng với thực tế, gây bất lợi, oan sai cho các bị cáo nói trên.

275808109_457878602786810_1178158002495386393_n

Ông Cao Duy Hùng cha đẻ bị cáo Cao Duy Đức Anh.

Nội dung đơn nêu: “….Việc cơ quan tố tụng Sầm Sơn không đưa giấy ra viện, bệnh án điều trị tại bệnh viện và các giấy tờ tài liệu liên quan đến điều trị thương tích các bị hại Nguyễn Trọng Việt Anh và Nguyễn Đức Vượng có trong hồ sơ vụ án vào hồ sơ để giám định là việc làm vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Cụ thể, tại thời điểm trưng cầu giám định pháp y ngày 19/11/2020 trong hồ sơ của CQĐT đã có giấy ra viện, hóa đơn bán thuốc (BL161), biên lai thu tiền tạm ứng, phiếu chi thanh toán viện phí (BL160) của bị hại Nguyễn Trọng Việt Anh, được thể hiện tại biên bản giao nhận tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử ngày 11/11/2020.

275612104_1155383218633032_3486123132510286611_n

Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể (Tài liệu do gia đình bị cáo cung cấp).

Tại thời điểm này, các bị hại Nguyễn Trọng Việt Anh, Nguyễn Đức Vượng đều đã được ra viện trước đó, đều đã có bệnh án của cơ sở y tế điều trị cho các bị hại nhưng không hiểu vô tình hay cố ý mà không đưa vào hồ sơ giám định để giám định.

Việc trả lời trong Thông báo số 21 ngày 10/01/2022 nêu: “Vào thời điểm trưng cầu giám định pháp y về thương tích cho cháu Nguyễn Trọng Việt Anh và Nguyễn Đức Vượng, cơ quan CSĐT đã thực hiện việc sao bệnh án điều trị tại cơ sở y tế Bệnh viện đa khoa Hợp Lực và Bệnh viện nhi tỉnh Thanh Hóa nhưng bệnh viện chưa cung cấp được” – trích Thông báo số 21.

Đây là thông báo không thuyết phục vì các bệnh nhân này đã ra viện từ trước đó cụ thể là 13 ngày, đã có giấy ra viện và các tài liệu thanh toán từ bệnh viện nộp cho cơ quan điều tra (BL160-161).

Bản ảnh thương tích của bị hại Nguyễn Trọng Việt Anh (BL165 đến BL170) tuy có trong hồ sơ vụ án nhưng có những ảnh không phù hợp với biên bản xem xét dấu vết trên thân thể của bị hại (BL169).

Việc thu thập bản ảnh này không thể hiện trong biên bản xem xét dấu vết trên thân thể, không được thể hiện trong các biên bản hoạt động điều tra khác nên không được xem là tài liệu, chứng cứ để giám định…Quyết định trưng cầu giám định chỉ có 06 vết đối với Nguyễn Đức Vượng nhưng kết luận giám định có tới 12 vết thương và Quyết định trưng cầu đối với Nguyễn Trọng Việt Anh chỉ có 06 vết nhưng kết luận giám định ghi có 19 vết, vượt 13 vết thương...đây là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, gây bất lợi cho bị cáo...” –trích nội dung đơn của bị cáo Cao Duy Đức Anh.

Tại Kết luận điều tra hình sự số 20 của Công an Sầm Sơn nêu: “Làm việc với bị hại cháu Nguyễn Trọng Việt Anh, Nguyễn Đức Vượng và người giám hộ đều khẳng định những vết thương của bị hại được giám định tại Trung tâm pháp y Thanh Hóa đều do nhóm thanh niên Cao Văn Đạt gây nên vào đêm 04/11/2020. Quá trình giám định gia đình các bị hại không có tác động để Trung tâm pháp y thay đổi kết luận giám định.

Trao đổi với ông Cao Duy Hùng, cha đẻ bị cáo Cao Duy Đức Anh, ông Hùng cho biết: "Từ khi xảy ra sự việc tôi suy nghĩ bạc đầu, các cháu còn quá ít tuổi, ngông cuồng và thiếu suy nghĩ. Một phút bồng bột của tuổi trẻ....con tôi bỗng trở nên thất học.

Đã 02 năm qua chưa đêm nào tôi ngủ ngon giấc. Cháu có lỗi nhưng thực sự không tham gia đánh hay tấn công hay làm tổn thương bị hại...Mặc dù vậy nhưng gia đình tôi vẫn tới thăm hỏi các cháu bị hại và gia đình...

Điều tôi bức xúc đó là, quyết định trưng cầu giám định chỉ có 06 vết đối với cháu Nguyễn Đức Vượng nhưng kết luận giám định có tới 13 vết và quyết định trưng cầu đối với cháu Nguyễn Trọng Việt Anh chỉ có 02 vết nhưng kết luận giám định ghi có 18 vết thương. Tại sao lại như vậy?"- ông Hùng đặt câu hỏi, có hay không hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án gây bất lợi cho con trai ông.

Để có cái nhìn khách quan, nhiều chiều, phóng viên đã có buổi gặp trực tiếp đối với các bị hại để làm rõ thực hư. Trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ án, ông Lượng, cha đẻ của nạn nhân Nguyễn Đức Vượng cho hay: “Các cháu đều đang tuổi mới lớn, một phút ngông cuồng của tuổi trẻ…Theo tôi cần giáo dục các cháu nhưng đừng làm quá, đặc biệt tôn trọng sự thật. Nói thật với phóng viên khi công an tới đưa cháu đi giám định gia đình tôi không được biết.

Bản thân tôi cũng nhận thấy, kết luận giám định là không đúng với thực tiễn vì con tôi chỉ bị một vết thương tại xương quai xanh, do cháu bị chạy xe bị ngã không phải do các bị cáo đánh. Khi xảy ra sự việc, gia đình các cháu đã đến thăm hỏi. Tại phiên tòa tôi đều đứng ra xin tha tội cho các cháu, để các cháu còn tiếp tục đi học….”- anh Lượng cha đẻ nạn nhân Vượng cho biết.

Khi trả lời phóng viên về những vết thương trên cơ thể của bị hại thì cả hai nạn nhân là Nguyễn Đức Vượng và Nguyễn Trọng Việt Anh đều khẳng định, các vết thương trên cơ thể là do tăng ga, chạy xe nên ngã gây nên.

Không chỉ cha nạn nhân Vượng mà mẹ của nạn nhân Nguyễn Trọng Việt Anh cũng cảm thấy bất ngờ về kết luận giám định của con mình. Dư luận đặt câu hỏi, có hay không hành vi làm sai lệch kết luận giám định?

Có hay không hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án?

Theo bản kết luận điều tra số 20 của Công an Sầm Sơn có nêu: “Tại thời điểm giám định không có tài liệu giấy ra viện và bệnh án của người được giám định.

Tại Công văn số 216/TTPY-CV ngày 03/12/2021 của Trung tâm pháp y tỉnh Thanh Hóa trả lời Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Sầm Sơn như sau; bệnh án ngoại khoa nói riêng và bệnh án điều trị nói chung ghi lại các triệu chứng, các tổn thương bệnh lý, tổn thương cơ thể tại thời điểm vào viện và trong suốt quá trình điều trị. Là tài liệu quan trọng, chứng cứ trong tra cứu y học nhưng trong giám định pháp y về thương tích chỉ là tài liệu tham khảo.

Việc không có tài liệu giấy ra viện và bệnh án của người được giám định tại thời điểm giám định pháp y về thương tích không làm thay đổi kết quả giám định pháp y về thương tích đối với bản kết luận giám định pháp y số 879 và 880 ngày 26/11/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh Thanh Hóa” – trích trang 7 kết luận điều tra số 20 của Công an Sầm Sơn.

Chính vì những mâu thuẫn trên, tại bản án số 183/2021/HS-PT ngày 12/11/2021 của TAND tỉnh Thanh Hóa đã phải tuyên hủy án sơ thẩm số 28/2021, ngày 25/6/2021 của TAND thành phố Sầm Sơn, với lý do; Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Sầm Sơn chỉ yêu cầu giám định 03 vết thương trong khi thực tế thương tích của Nguyễn Trọng Việt Anh tại kết luận giám định đã nhiều hơn 03 vết thương.

Đối với bị hại Nguyễn Văn Vượng, công an TP Sầm Sơn chỉ yêu cầu trưng cầu 06 vết thương nhưng trong bản kết luận giám định lại nhiều hơn 06 vết.

Về việc sửa chữa bổ sung bản án nội dung đính chính vượt quá quy định tại khoản 1 điều 261 BLTTHS…” – trích bản án phúc thẩm số 183.

Vì sao giữa Quyết định trưng cầu giám định một đằng, bản kết luận giám định ghi một nẻo. Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể nạn nhân ghi cũng khác nhau...

Liên quan tới đơn kêu cứu của của bị can nói trên, ngày 11/3/2022, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã có phiếu chuyển đơn tới Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí để điều tra lại, giải quyết theo thủ tục chung nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng của bị cáo Cao Duy Đức Anh và Cao Văn Đạt.

Dưới góc độ pháp lý, ông Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH khóa XIV cho rằng: "Các bị cáo đều ở độ tuổi dưới 18, hiện có cháu đang thất học vì bản án lơ lửng trên đầu".

Pháp luật Plus xin chuyển toàn bộ nội dung trên tới Cục điều tra VKSND tối cao để xem xét, có hay không hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, gây thiệt hại cho các bị cáo./.

Tóm tắt vụ án: Khoảng 21h40 ngày 4/11/2020, tại Quốc lộ 47 thuộc khu phố Châu Bình, phường Quảng Châu , TP Sầm Sơn nhóm thanh niên (tuổi vị thành niên sinh năm 2004-2005) gồm: Cao Văn Đạt, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Ngọc Minh, Ngô Văn Hiệp, Phạm Văn Huỳnh, Trần Tuấn Anh, Phạm Gia Hoàng, Nguyễn Sỹ Duy….đã chở nhau trên nhiều xe mô tô, sử dụng hung khí dao, kiếm, gậy lùa đuổi đánh nhầm cháu Nguyễn Trọng Việt Anh khi đó đang đi trên một chiếc xe máy chở cháu Nguyễn Đức Vượng và Đào Đình Bình.

Bị bất ngờ áp sát đuổi đánh nên cháu Nguyễn Trọng Việt Anh đã tăng ga bỏ chạy. Do sợ hãi và không làm chủ được tốc độ nên phương tiện đã lao lên vỉa hè khiến cả ba ngã văng xuống đường dẫn đến thương tích đa chấn thương.

Khi thấy 3 cháu Anh, Vượng và Bình ngã xuống đường, nhóm thanh niên lùa đuổi đánh bỏ chạy, tìm nơi cất dấu hung khí rồi về nhà ngủ. 3 cháu bị tổn thương được gia đình đưa vào các bệnh viện cấp cứu, điều trị. Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 2880/2020/TTPY, ngày 26/11/2020 của Trung tâm Pháp y tỉnh Thanh Hóa kết luận:

Nguyễn Trọng Việt Anh tổn thương cơ thể 21%; Nguyễn Đức Vượng 18%; Đào Đình Bình là 2%.

 

 

Nguồn: Phapluatplus.vn