Việt Nam và Hàn Quốc ký kết Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội

Những năm gần đây, lượng người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc chiếm tỷ lệ lớn trong số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cùng với sự mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, người lao động Hàn Quốc đến Việt Nam làm việc cũng có xu hướng ngày càng gia tăng.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc Kwon Deok Cheol ký kết Hiệp định dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Về nguyên tắc, người lao động khi đến một quốc gia khác làm việc thì sẽ phải tham gia đóng BHXH ở quốc gia đó. Khi về hưu thì người lao động được quyền hưởng lương hưu, trên cơ sở các khoản BHXH mà họ đã đóng trước đó ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Trong trường hợp giữa các quốc gia không có Hiệp định song phương hay đa phương về BHXH thì việc thụ hưởng lương hưu khi người lao động về hưu sẽ rất khó khăn. Có trường hợp không thực hiện được do không có sự liên thông, kết nối hay công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống bảo hiểm.

Bởi vậy, việc ký kết Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc là một nhu cầu cấp thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển lao động giữa hai nước và để bảo vệ quyền lợi về BHXH của người lao động cả hai bên.

Cũng giống như phần lớn các hiệp định song phương và đa phương về BHXH trên thế giới, Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc có hai mục đích chính: Một là, tránh việc người lao động phải đóng hai lần BHXH. Hai là, thời gian đóng BHXH sẽ được hai bên công nhận lẫn nhau. Thời gian tham gia đóng BHXH của người lao động là công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc sẽ được tính là tổng thời gian mà người lao động đó đã tham gia đóng BHXH ở Việt Nam và Hàn Quốc. Tổng thời gian này sẽ là căn cứ để Quỹ BHXH Việt Nam và Quỹ Hưu trí quốc gia Hàn Quốc xét người lao động hưởng chế độ hưu.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc Kwon Deok Cheol bắt tay chúc mừng trao đổi văn kiện ký kết

Theo Hiệp định, việc đóng và hưởng được thực hiện theo nguyên tắc là người lao động đóng BHXH ở đâu thì hưởng ở đó và mức hưởng được xác định bởi thời gian và mức mà người lao động đã đóng vào Quỹ BHXH tại nước đóng. Bởi vậy, việc thực hiện Hiệp định sẽ không có tác động đến vấn đề thu, chi tài chính của Quỹ BHXH của bên nào.

Khi Hiệp định có hiệu lực, quyền lợi về BHXH của người lao động Việt Nam khi đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc sẽ được bảo đảm bởi luật pháp của cả hai quốc gia. Người lao động cũng sẽ được hưởng đầy đủ, bình đẳng căn cứ theo cách tính mức thụ hưởng theo quy định của luật pháp mỗi nước theo nguyên tắc đóng - hưởng.

Hiệp định sẽ đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động trong việc tiếp cận cơ hội việc làm.

Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc gồm 5 Phần với 24 Điều, trong đó có một số quy định chính sau:

1. Phạm vi áp dụng là liên quan tới chế độ hưu trí và tử tuất theo Luật BHXH năm 2014 của Việt Nam và Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc (Điều 2).

2. Đối tượng là người lao động Việt Nam và người lao động Hàn Quốc có thời gian làm việc tại hai nước và đang chịu sự điều chỉnh của pháp luật về BHXH của hai nước (Điều 3).

3. Hiệp định quy định nguyên tắc đối xử bình đẳng, cụ thể là công dân của một bên khi làm việc trên lãnh thổ của bên kia thì được đối xử bình đẳng như công dân của nước sở tại trong việc xác định các điều kiện đóng, hưởng, chi trả các chế độ BHXH (Điều 4).

4. Một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định là quy định cách tính thời gian làm căn cứ để xác định chế độ hưu trí đối với người lao động là tính tổng thời gian mà người lao động đã tham gia đóng BHXH ở cả hai nước (cộng dồn) và cách tính các chế độ bảo hiểm là căn cứ theo luật pháp của mỗi nước (Điều 10).

5. Hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày thứ nhất của tháng thứ hai kể từ tháng mà mỗi Bên nhận được thông báo chính thức bằng văn bản của bên kia (Điều 23).

Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ