Thích ứng an toàn, doanh nghiệp rầm rộ “săn” nhân sự sau Tết

Thị trường lao động phục hồi khả quan

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến tình hình lao động, việc làm. Nếu tính từ tháng 4 đến tháng 10-2021, có khoảng 38 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, số lao động bị gián đoạn hoặc tạm dừng làm việc trong năm 2021 khoảng 18 triệu người. Đặc biệt, trong quá trình tác động của đại dịch lần thứ 4, dòng người di chuyển từ TP.HCM và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam về nông thôn, các vùng quê tương đối lớn, ước tính khoảng 1,3 triệu lao động và chiếm 60% trong khối dịch chuyển này.

Trao đổi với báo chí về những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến thị trường lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, bên cạnh việc đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất thì vấn đề đáng quan ngại hơn là đứt gãy về chuỗi cung ứng lao động. Trước làn sóng lao động di chuyển ồ ạt về quê trong năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH từng đưa ra cảnh báo là cuối quý I, đầu quý II thị trường lao động mới trở lại được cơ bản. Tuy nhiên, khi Chính phủ quyết định thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn” ngay trong quý IV-2021, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, đến thời điểm hết tháng 12-2021, thị trường lao động đã cơ bản phục hồi.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định, dịch Covid-19 đã gây nên sự sụt giảm chưa từng có đối với hoạt động kinh tế và số giờ làm việc, nhiều người lao động buộc phải ngừng việc, thậm chí có những lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp. Thế nhưng hiện nay, Chính phủ đã linh hoạt mở cửa nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp cho nên, nguồn cầu lao động tăng lên, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Thích ứng an toàn, doanh nghiệp rầm rộ “săn” nhân sự sau Tết ảnh 1

Doanh nghiệp muốn tuyển dụng lao động có tay nghề, kỹ năng để thích ứng lâu dài với dịch bệnh Covid-19

Tăng mạnh tuyển dụng lao động kỹ thuật

Bộ LĐ-TB&XH dự báo sự thiếu hụt lao động chưa xảy ra vào đầu năm mà có thể tăng vào thời gian quý II-2022, khi các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng mạnh. Còn vấn đề hiện nay là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi thời gian vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19 nên có sự chuyển dịch lao động từ nhà máy này sang nhà máy khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác.

Mặc dù, sự thiếu hụt lao động sau nghỉ Tết Nguyên đán chỉ khoảng 10%, nhưng thị trường lao động đã “nóng” ngay từ đầu năm với nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh. Điều này phù hợp với tình hình thực tế, bởi sau Tết nhiều nhà máy tăng tốc sản xuất sau thời gian dài hoạt động chỉ từ 60 - 80% công suất vào năm trước và rất cần bổ sung nhân lực, đặc biệt là lao động qua đào tạo. Tại Bắc Ninh, Bắc Giang, nhiều doanh nghiệp điện tử đã có kế hoạch tuyển hàng chục nghìn công nhân ngay trong quý I-2022 để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong thời gian tới, dù số lao động trở lại nhà máy sau Tết đã đạt gần 100%.

Bộ LĐ-TB&XH dự báo sự thiếu hụt lao động chưa xảy ra vào đầu năm mà có thể tăng vào thời gian quý II-2022, khi các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng mạnh. Còn vấn đề hiện nay là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi thời gian vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19 nên có sự chuyển dịch lao động từ nhà máy này sang nhà máy khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác.

Theo lãnh đạo ban quản lý khu công nghiệp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, điều khó nhất với các doanh nghiệp hiện nay là không thể tuyển đủ lao động kỹ thuật, nhất là các ngành điện tử, cơ khí. Xu hướng tuyển dụng lao động có tay nghề, kỹ năng để hướng đến việc thích ứng lâu dài với dịch Covid-19 đang được các doanh nghiệp triển khai. Để tuyển chọn đủ nhân sự, người lao động có nhu cầu tìm việc có thể đến Bắc Ninh phỏng vấn, thậm chí doanh nghiệp tới tận nơi để tìm ứng viên tại các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Lạng Sơn.

Còn tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, tình trạng “nhảy việc” sau Tết hiện nay gần như không xảy ra. Sau Tết, các doanh nghiệp cũng quan tâm tuyển chọn lao động có tay nghề, kỹ năng để hướng đến việc thích ứng lâu dài với dịch Covid-19 trong bối cảnh bình thường mới. Theo quy luật hàng năm, thông thường nhu cầu tuyển dụng vào đầu năm sẽ tăng hơn so với các thời điểm khác. Hiện, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đang rà soát cụ thể để đánh giá rõ hơn về xu hướng tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ổn định thị trường lao động để bứt phá

Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, dự kiến trong năm 2022, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người. Để nhanh chóng khôi phục, mở rộng sản xuất, bên cạnh việc đón công nhân cũ trở lại làm việc, nhiều doanh nghiệp bắt đầu “chạy đua” tuyển dụng công nhân mới với nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn.

Một số doanh nghiệp còn cử cán bộ nhân sự kê bàn ra trước cổng để tư vấn và nhận hồ sơ, đồng thời đến các nhà trọ phát thông báo tuyển dụng. Nhu cầu tuyển dụng lớn mở ra các cơ hội đối với người lao động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia lao động, thị trường luôn diễn biến theo hướng cần nhiều lao động có chuyên môn, có kỹ năng nghề nghiệp và thái độ nghề nghiệp chuẩn mực, đào thải lao động kỹ năng thấp. Vì thế, người lao động cần liên tục trau dồi kiến thức, từ đó giúp bản thân người lao động cải thiện thu nhập và ứng biến tốt hơn trước các biến động của thị trường.

Trong bối cảnh bùng nổ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thì yêu cầu lao động chất lượng cao là tất yếu. Việt Nam ngày nay không chỉ là công xưởng gia công, lắp ráp đơn thuần mà đang hướng mạnh đến sự sáng tạo đi liền với công nghệ, khoa học kỹ thuật, dịch vụ ứng dụng vào sản xuất, chế tạo. Do vậy, nhiều ngành, nghề đang “khát” nhân lực chất lượng cao, nhất là những lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng.

Thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao cũng là một tín hiệu đáng lo ngại, tuy nhiên điều này cũng không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, hiện Việt Nam có khoảng 70% lao động qua đào tạo, nhưng chỉ 24,5% có bằng cấp, chứng chỉ. Do đó, để đảm bảo nguồn nhân lực phát triển đất nước thì đào tạo nghề chất lượng cao phải là một mũi nhọn. Vì vậy, Bộ xác định, từ năm 2022 trở đi phải tập trung xây dựng nền móng để đào tạo nghề chất lượng cao.

Theo các nhà quản lý, sự ổn định thị trường lao động không chỉ góp phần phục hồi nhanh chóng kinh tế đất nước trong năm 2022, mà còn là tiền đề cho giai đoạn sau này - giai đoạn hậu Covid-19. Để ổn định thị trường lao động, bên cạnh việc đào tạo phải bài bản, điều quan trọng nữa đó là các cơ quan quản lý, ngành chức năng cần tập trung vào đánh giá, dự báo các ngành, nghề mới trong tương lai để có sự chủ động tham mưu chính sách từ sớm. Bài học kinh nghiệm từ đại dịch cho thấy, chỉ khi lực lượng lao động phi chính thức trở thành chính thức thì những chính sách an sinh mới đến được với người lao động và giữ cho nguồn lực quan trọng không bị xáo trộn.

Nguồn: Anninhthudo.vn