Thương mại Duy Linh: Nhà thầu kín tiếng tại Hải Phòng, đối tác quen thuộc của VMS-North

Đối tác quen của VMS-North

Đối với giới kinh doanh thành phố Hải Phòng, Công ty CP Thương mại Duy Linh (viết tắt là Công ty Duy Linh) được xem là một trong số đơn vị thi công công trình thủy hàng đầu trong khu vực.

Thương mại Duy Linh: Nhà thầu kín tiếng tại Hải Phòng, đối tác quen thuộc của VMS-North
Liên danh nhà thầu có sự góp mặt của Công ty Duy Linh thường xuyên trúng các gói thầu thi công nạo vét quy mô lớn từ VMS-North.

Được thành lập từ năm 2002, sau hơn 20 năm hoạt động và phát triển, Duy Linh đã trở thành thương hiệu có tiếng trong lĩnh vực nạo vét, cải tạo sông biển và các công trình đường thủy.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sở hữu thế mạnh trong các hoạt động san lấp mặt bằng để xây dựng các cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp và chế biến, dịch vụ cảng biển, thuê kho bãi...

Sự thành công nhất định đó mang đậm dấu ấn của ông Lâm Văn Hòa (SN 1964), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Duy Linh. Bên cạnh đó, đồng hành và giúp sức cho ông Lâm Văn Hòa trong suốt nhiều năm còn có bà Phạm Thị Định (SN 1969), bà Phạm Thị Minh (SN 1970), ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1973) và ông Bùi Văn Tân (SN 1962).

Đây là các cổ đông lớn của doanh nghiệp, đều có địa chỉ thường trú ở TP. Hải Phòng, ngoại trừ ông Tân là một Việt kiều Úc. Đến giữa năm 2017, cổ đông của Công ty Duy Linh dường như bắt đầu "tan đàn xẻ nghé", chỉ còn bà Phạm Thị Minh, bà Phạm Thị Định tiếp tục sát cánh bên cạnh ông Lâm Văn Hòa.

Năm đó, hoạt động kinh doanh của Công ty Duy Linh cũng có nhiều chuyển biến. Đặc biệt trong đó là doanh nghiệp chú tâm hơn đến các gói thầu thi công xây dựng trên địa bàn thành phố, và thời điểm cuối năm trúng liên tiếp 2 gói thầu có giá trị từ Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Bắc (VMS-North), trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

"Đầu xuôi, đuôi lọt", chiến lược "săn" thầu cứ thế đem lại nguồn thu nhập khả quan cho Công ty Duy Linh các năm kế tiếp. Đỉnh điểm cuối năm 2020, dẫu Covid-19 lúc này đang diễn biến khó lường, phức tạp, gây khó khăn cho cả nền kinh tế, nhưng Công ty Duy Linh trúng gói thầu thi công nạo vét lên đến 320 tỷ đồng, trong vai trò liên danh.

Gói thầu trên thuộc công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng năm 2020 - đoạn Lạch Huyện, không ai khác, VMS-North chính là chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Nhìn lại diễn biến, Liên danh nhà thầu có sự hiện diện của Công ty Duy Linh (gồm Công ty CP Tập đoàn Vietship, Công ty TNHH MTV Long Hải, Công ty CP Đầu tư xây dựng Sao Đỏ) đã giành thắng lợi tương đối dễ dàng, sau khi bỏ giá 318,8 tỷ đồng, chỉ thấp hơn 838 triệu đồng so với giá gói thầu (319,6 tỷ đồng), tỷ lệ giảm giá đạt 0,2%.

Không lâu sau đó, tháng 8/2021, câu chuyện tương tự lại xảy ra tại Gói thầu số 15: Thi công nạo vét và vận chuyển, xây dựng, gia cố đê bao bãi chứa chất nạo vét của VMS-North.

Chỉ khác rằng, lần này Liên danh nhà thầu của Công ty Duy Linh có sự xáo trộn, khi Công ty CP Tập đoàn Vietship rút chân ra khỏi liên danh, đổi lại Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô xuất hiện với tư cách thành viên mới. Chung cuộc, Liên danh trên được lựa chọn là nhà thầu thực hiện với giá trúng thầu hơn 315 tỷ đồng.

Người ký Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu hai gói thầu hàng trăm tỷ này là ông Đồng Trung Kiên, Tổng giám đốc VMS-North.

Thương mại Duy Linh: Nhà thầu kín tiếng tại Hải Phòng, đối tác quen thuộc của VMS-North
Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu do ông Đồng Trung Kiên, Tổng giám đốc VMS-North ký ban hành.

Đặc biệt mới đây, ngày 4/10/2022, VMS-North công bố Quyết định số 963/QĐ-TCTBĐATHHMB về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 6: Thi công nạo vét và vận chuyển chất nạo vét đi đổ, thuộc công trình: Nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng năm 2021 (đoạn Huyện Lạch). Liên danh nhà thầu với sự góp mặt của Công ty Duy Linh tiếp tục được chọn là đơn vị thực hiện, cùng giá trúng thầu 289,9 tỷ đồng, tiết kiệm 10 tỷ đồng cho Ngân sách Nhà nước, tương ứng 3,3% nguồn vốn.

Theo tìm hiểu, tại quê nhà Hải Phòng, Công ty Duy Linh còn lấn sân sang địa hạt bất động sản, làm chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và cho thuê, với diện tích 1.115 m2 đất tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng.

Vốn đã nổi danh bởi những thương vụ "đình đám", những ngày gần đây, dư luận nhắc đến Công ty Duy Linh nhiều hơn, sau khi bị Kiểm toán Nhà nước chỉ đích danh là có dấu hiệu vi phạm về công tác khai thác khoáng sản (cát), có hành vi lập dự án để được cấp phép nhưng không tổ chức khai thác mà chuyển cho doanh nghiệp khác khai thác.

Kiểm toán Nhà nước cho biết đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hải Phòng để điều tra, xử lý sai phạm.

Công ty Duy Linh làm ăn thế nào?

Xét trong 6 năm gần đây, doanh thu của Công ty Duy Linh có dấu hiệu trồi sụt khá mạnh. Cụ thể, doanh thu lần lượt đạt 427 tỷ đồng (2016), 285 tỷ đồng (2017), 381 tỷ đồng (2018), 497 tỷ đồng (2019), 144,8 tỷ đồng (2020) và 522 tỷ đồng (2021).

Có thể thấy, chất lượng doanh thu của Công ty Duy Linh không thực sự tốt, thiếu ổn định và biên độ dao động khá mạnh giữa các năm. Doanh thu của Công ty Duy Linh đạt đỉnh vào năm 2021, đó cũng là thời điểm doanh nghiệp trúng các gói thầu giá trị lớn từ VMS-North, như đề cập ở trên.

Một điểm đáng lưu tâm, lợi nhuận sau thuế của Công ty Duy Linh lại duy trì ở ngưỡng "ổn định", và rất thấp chỉ có hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Trong năm 2020, được xem là đáy của doanh thu, Công ty Duy Linh công bố lợi nhuận 1,2 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu đạt mức đỉnh, tăng trưởng gấp 3,6 lần năm trước, song lợi nhuận vẫn loanh quanh 1,6 tỷ đồng.

Nguyên nhân là doanh nghiệp luôn ghi nhận chi phí giá vốn quá lớn, khiến biên lợi nhuận gộp duy trì trên dưới 4%/năm.

Về cấu trúc vốn, nguồn lực kinh doanh của Công ty Duy Linh chủ yếu đến từ vay mượn. Từ nhiều năm trước, doanh nghiệp đã sử dụng đòn bẩy tài chính lớn để hoạt động, với khoản vay hàng trăm tỷ đồng, cao hơn vài lần vốn tự có.

Ví dụ, năm 2017, Công ty Duy Linh nợ vay dài hạn hơn 320 tỷ đồng, gấp 3,8 lần vốn chủ sở hữu (83 tỷ đồng); nợ phải trả theo đó bị đẩy lên 475 tỷ đồng, tương ứng hệ số nợ trên vốn là 5,7 lần, phản ánh rõ ràng những rủi ro thanh toán đối với doanh nghiệp.

Khoản vay dài hạn trên được trả dần, đến cuối năm 2020 còn gần 235 tỷ đồng. Sang năm 2021, số nợ chuyển trạng thái sang nợ ngắn hạn, ghi nhận gần 240 tỷ đồng; ngoài ra, doanh nghiệp còn 27,6 tỷ đồng nợ dài hạn nữa chưa thanh toán.

Được biết, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Lạch Tray, Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Bắc Hải Phòng, Ngân hàng VietinBank - Chi nhánh Bắc Hải Phòng là các nhà băng cấp tín dụng cho Công ty Duy Linh, với tài sản thế chấp là xe ô tô, các tàu chuyên dụng, máy đào, máy ủi...

Nguồn: Kinh tế chứng khoán