TP HCM: Nghi án mời góp vốn rồi âm thầm chuyển nhượng công ty?

Góp vốn nhưng không được làm chủ công ty

Sau một thời gian quen biết, khoảng giữa tháng 6/2020, ông Ngọc dẫn ông Linh đến nhà hàng Hỷ Tương Phùng (35 Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP Hồ Chí Minh), một chi nhánh của Công ty TNHH TMDV Phúc Lê Nga, mã số là 0315556418 - 001, do ông Ngọc làm giám đốc và cũng là người đại diện pháp luật của công ty.

Ông Ngọc cho biết, ông là chủ nhà hàng này và được cấp phép ngày 17/6/2020. Từ đó, ông Ngọc thường xuyên mời ông Linh đến nhà hàng ăn uống. Mỗi khi tiếp đãi, ông Ngọc luôn khoe hiệu quả kinh doanh rất tốt, lợi nhuận mỗi tháng trừ hết các chi phí, kể cả khoản ngoại giao cứng và mềm thì còn lại cũng được 200-300 triệu đồng. Đồng thời, ông Ngọc cũng cho biết, đang lập kế hoạch đầu tư thêm tài chính để mở rộng và nâng tầm quy mô sang trọng của nhà hàng lên và nói xem ông Linh như em út, nên đề xuất cho ông Linh tham gia phần hùn vào công ty để anh em cùng kiếm chút tiền.

Tin tưởng vào hiệu quả kinh doanh của nhà hàng, nên vào ngày 6/7/2020, ông Linh có ký một hợp đồng chuyển nhượng vốn, người đứng tên trên hợp đồng là ông Trần Thành Long (được ông Ngọc giới thiệu là anh em) và nói ông Long sẽ chia sẻ bớt phần hùn cho ông Linh theo tỷ lệ 10% vốn góp vào công ty, tương ứng 500.000.000 đồng.

IMG_4867

Nhà hàng nơi ông Linh ký hợp đồng chuyển nhượng vốn.

Sau khi ký hợp đồng, ông Linh đã giao cho ông Ngọc 100.000.000 đồng, thông qua uỷ nhiệm chi và đã chuyển số tiền còn lại là 400.000.000 đồng vào tài khoản cá nhân của ông Long, theo yêu cầu của ông Ngọc mấy ngày sau đó.

Mặc dù đã chuyển đủ số tiền tương ứng 10% vốn của công ty nhưng chờ mãi, không thấy ông Ngọc tiến hành làm thủ tục bổ sung thành viên góp vốn có tên ông Linh vào Giấy đăng ký kinh doanh của công ty nên ông Linh điện thoại hỏi ông Ngọc. Ông Ngọc có nói là “đang nhờ người làm và sẽ xong giấy tờ trong thời gian ngắn thôi”.

Trong khi hồ sơ pháp lý còn chưa được bổ túc xong thì dịch COVID-19 bùng phát khiến nhà hàng phải tạm ngưng hoạt động. Vì chi phí hàng tháng phải trả nhưng lại không có doanh thu nên ông Ngọc yêu cầu ông Linh nộp tiền bù lỗ tương ứng 10%, số tiền góp vốn. Tổng số tiền ông Linh đã nộp gọi là bù lỗ hàng tháng liên tục cho đến tháng 6/2021 là khoảng 100.000.000 đồng  

Sau đó, ông Linh cũng lại nhiều lần hỏi ông Ngọc vì sao chưa đăng ký tên mình thì được trả lời nhà hàng phá sản và phải đóng cửa, yêu cầu ông Linh phải bỏ thêm một số tiền khá lớn nếu muốn duy trì.

Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Bức xúc trước hành vi góp vốn nhưng không được công nhận, lại còn bị mắng “đầu tư thua lỗ thì phải chịu”, ông Linh làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

Theo Luật sư Nguyễn Minh Tường – Công ty Luật Vương gia, qua xem xét hồ sơ của ông Nguyễn Vũ Linh nhận thấy: Mặc dù việc mua lại 10% vốn góp trong công ty Phúc Lê Nga để đầu tư và phát triển Nhà hàng Hỷ Tương Phùng, ông Linh ký với người đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng vốn là ông Trần Thành Long, nhưng mọi giao dịch do ông Ngọc trao đổi và trực tiếp thực hiện. Tiền góp vốn chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Long cũng theo yêu cầu của ông Ngọc. Sau hơn 20 tháng nhận tiền mà công ty Phúc Lê Nga do ông Ngọc làm đại diện pháp luật vẫn không thực hiện thủ tục bổ sung tên ông Linh là thành viên góp vốn vào Giấy đăng ký kinh doanh của công ty, nhà hàng Hỷ Tương Phùng cũng “biến mất” nên việc ông Linh tố giác ông Ngọc có dấu hiệu của hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ.

IMG_4869

Nhà hàng nơi ông Linh ký hợp đồng chuyển nhượng vốn.

Theo tìm hiểu của Báo Pháp luật Việt Nam, Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 11/1/2022, Công ty TNHH TMDV Phúc Lê Nga chưa đăng ký giải thể. Tuy nhiên, ngày 23/11/2021 đã đăng ký thay đổi vốn điều lệ và người đại diện theo pháp luật, trong đó, ông Ngọc không còn là giám đốc.

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam qua điện thoại, ông Ngọc cho biết không nhận bất cứ khoản tiền nào từ ông Nguyễn Vũ Linh, nên.phản ảnh của ông Linh là có cơ sở, CQĐT cần sớm làm rõ vụ việc .

Điều 174, của BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017, quy định: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nguồn: Phapluatplus.vn