"Việt kiệu thư", cuốn sử liệu chứa nhiều thông tin đa chiều về Đại Việt

Tại tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã mở đầu buổi trò chuyện bằng việc khẳng định tầm quan trọng của sử liệu đối với công việc nghiên cứu lịch sử.

Giáo sư cho rằng, việc sưu tầm, xử lý và khai thác sử liệu là công việc khó khăn, phức tạp nhưng là hết sức cần thiết đối với các sử gia. Trước đây, chúng ta vẫn quan niệm rằng sử liệu chỉ là những thư tịch cổ, và đánh giá chưa đúng vai trò của các nguồn tài liệu khác như các tiểu thuyết, tác phẩm văn học lịch sử…

Vì vậy, Giáo sư đã nhấn mạnh và mong các nhà nghiên cứu sử cần tiếp cận với sử liệu một cách đa dạng, phong phú và rộng mở để không bỏ sót những thông tin lịch sử được ghi chép chân thực, chính xác.

"Việt kiệu thư", cuốn sử liệu chứa nhiều thông tin đa chiều về Đại Việt ảnh 1

Quang cảnh buổi tọa đàm

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc đã chỉ ra rằng, đối với việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, nguồn sử liệu chữ Hán có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Rất nhiều sự kiện lịch sử ở nước ta được xác định và đối chiếu từ nguồn sử liệu chữ Hán của Trung Quốc. Mặc dù có nhiều khác biệt về góc nhìn, nhưng nhìn chung, nguồn sử liệu chữ Hán vẫn là một nguồn tư liệu phong phú và đáng tin cậy.

Đối với “Việt kiệu thư”, đây là một công trình đồ sộ, cung cấp nhiều thông tin quý giá về nhiều góc cạnh, phương diện của mối bang giao Việt - Trung trong lịch sử. Giáo sư đánh giá rằng, “Việt kiệu thư là công trình tiêu biểu nhất, điển hình nhất về những ghi chép về Việt Nam dưới góc nhìn của người Trung Quốc thời điểm bấy giờ.”

Bản thân ông khi còn là một sinh viên khoa Sử của Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), ông đã thấy cuốn “Việt kiệu thư” trong thư viện ở dạng chép tay. Mỗi khi cần thông tin trong sách, các sinh viên vẫn phải tự chép lại vào sổ tay của mình.

Vì vậy, tại buổi tọa đàm này, ông bày tỏ sự vui mừng khi Nhà xuất bản Khoa học xã hội và MaiHaBooks đã kết hợp với Khoa Lịch sử (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) tiến hành dịch và xuất bản công trình này. Đây chắc chắn sẽ là nguồn tư liệu quý giá và uy tín cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Đồng thời, Giáo sư cũng khẳng định rằng, bản dịch “Việt Kiệu Thư” này, mặc dù vẫn còn một số thiếu sót, song đây vẫn là một công trình công phu, thể hiện rõ tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc của nhóm dịch giả.

"Việt kiệu thư", cuốn sử liệu chứa nhiều thông tin đa chiều về Đại Việt ảnh 2

Bộ sách "Việt kiệu thư" gồm 3 cuốn

Đánh giá về giá trị sử liệu của "Việt kiệu thư", Phó giáo sư-Tiến sỹ Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho rằng, đây là nguồn tư liệu rất quan trọng để nghiên cứu về lịch sử quan hệ bang giao bổ sung cho các pho chính sử của cả hai phía.

“Do tính chất là một tập sử liệu nhằm phục vụ việc quân sự, "Việt kiệu thư" chứa trong mình nhiều thông tin đa chiều về Đại Việt. Trước hết, đó là nguồn sử liệu về mối quan hệ giữa triều Hồ, Lê sơ, và Mạc với nhà Minh. Ở những phần sử chí về lịch triều, các sử liệu không có nhiều điểm khác biệt so với các bộ sử lớn hơn. Nhưng, những phần sưu tầm về giai đoạn thế kỷ XV-XVI của cuốn sách này có thể đem đến nhiều sử kiện và văn kiện mới,” nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương nhận định.

Cuốn "Việt kiệu thư" đã được dịch ra tiếng Việt với nhóm dịch và thẩm định gồm có các chuyên gia sử học và Hán Nôm của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn như Phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Hồng Sơn, Tiến sỹ Vũ Đường Luân và Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Phúc.

Bộ sách gồm 3 cuốn, là bản dịch đầy đủ, trọn vẹn, có in kèm chữ Hán của bản gốc “Việt kiệu thư” (20 quyển).

Tên sách “Việt kiệu thư” nghĩa là sách ghi chép về miền núi non xa xôi, hoang vu hẻo lánh của đất Việt, do Lý Văn Phượng hoàn thành vào tháng 6 năm Minh Gia Tĩnh thứ 19 (1540), trên cơ sở kết quả thu thập, khảo cứu, “chọn lọc rồi chia làm từng loại” tài liệu sử chí, phương chí của các triều đại, từ Hán đến Minh, do các tác gia người Việt và Hán biên soạn, trên cơ sở đó soạn thành "Việt kiệu thư", gồm 20 quyển.

Nguồn: Anninhthudo.vn