Việt Nam thúc đẩy hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại

Hệ thống cung ứng nông sản truyền thống (chợ truyền thống) đang gặp nhiều khó khăn và thách thức khi hệ thống siêu thị đang phát triển mạnh mẽ. Do đó, phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại là một công cụ chiến lược, giúp người dân nâng cao chuỗi giá trị và năng lực cạnh tranh tiêu thụ nông sản và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: Đ.H)

Ngày 28/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến 2030”. Tham dự Hội thảo có ông: Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội; lãnh đạo đại diện nhiều Bộ, ngành, địa phương; Đại sứ quán Pháp, một số tổ chức quốc tế; doanh nghiệp; cùng đông đảo phóng viên báo chí.

Theo ông Nguyễn Văn Sửu, trong những năm qua cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội thì hệ thống các kênh phân phối nông sản thực phẩm đã thay đổi sâu sắc. Kênh phân phối nông sản thực phẩm truyền thống qua các chợ đầu mối (kiểu cũ), chợ dân sinh đang giảm dần và gặp nhiều thách thức do hệ thống này tồn tại một số hạn chế về công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, khả năng quản lý truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm và hệ thống logistic chưa đồng bộ. Thay vào đó kênh phân phối nông sản thực phẩm qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và các cửa hàng chuyên doanh nông sản thực phẩm có nhiều khởi sắc, do hệ thống kênh phân phối này có những ưu điểm kiểm soát chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm. Nhưng, hệ thống này cũng có những mặt còn hạn chế như chưa tập kết được số lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, hệ thống logistic còn riêng lẻ và chưa thực sự đồng bộ.

Do vậy, tại Hội thảo này, các diễn giả trong nước và quốc tế sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, những giải pháp trọng tâm, hiệu quả để phát triển hệ thống các trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030; để hệ thống này hoạt động hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội và đặc biệt góp phần phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng. Qua đó, những sản phẩm nông sản thực phẩm mũi nhọn của Việt Nam với chất lượng tốt được sản xuất, sơ chế, chế biến theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt có khả năng định hướng thị trường nông sản thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Nam cho biết, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án trung tâm kết nối sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn Việt Nam”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Phó Thủ tướng chủ trương xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại tại Việt Nam giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2030” và đã được Phó Thủ tướng đồng ý tại Công văn số 1190/VPCP-NN ngày 01/02/2018. Dự kiến, Đề án sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào quý III hoặc quý IV năm 2019.

Cũng theo ông Trần Thanh Nam, hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại (thông qua các chợ đầu mối nông sản, trung tâm giao dịch nông sản hoặc các sàn giao dịch nông sản) là một kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối được sản xuất với phân phối và tiêu dùng nông sản, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ. Hệ thống trung tâm cung ứng nông sản tại một số nước lớn như Pháp đã thể hiện vai trò là một nguồn cung cấp thay thế cho các nhà bán lẻ độc lập; đảm bảo minh bạch về giá cả (được công bố hàng ngày); thúc đẩy vệ sinh thực phẩm với rất nhiều sản phẩm đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn đặc trưng, hỗ trợ sự đa dạng của các kênh phân phối; mở cửa cho thị trường xuất khẩu; sản xuất quá mức có thể được giải quyết khi cần thiết...

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã thảo luận về thực trạng và điều kiện của Việt Nam như hiện nay đối với phát triển các trung tâm cung ứng và chợ nông sản của Việt Nam; vấn đề quy hoạch tổng thể và những hoạt động, dịch vụ chính của trung tâm cung ứng nông sản và khả năng kết nối với hệ thống các chợ an toàn thực phẩm ở các địa phương, với các vùng nguyên liệu, với các siêu thị; vai trò và sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước đối với trung tâm cung ứng nông sản; cơ chế quản lý về thú y, bảo vệ thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, trung tâm cung ứng nông sản; các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm cung ứng nông sản; vai trò của các doanh nghiệp tham gia đầu tư và vận hành các chợ đầu mối cũng như trung tâm cung ứng nông sản; các tiêu chí để lựa chọn các doanh nghiệp đủ lực, đủ tầm để tham gia đầu tư và vận hành các trung tâm cung ứng và chợ đầu mối nông sản; cơ chế hợp tác công tư trong đầu tư, quản lý và vận hành các trung tâm cung ứng hay chợ đầu mối nông sản; chuẩn hoá các chức năng, tiêu chí của trung tâm cung ứng, chợ an toàn vệ sinh thực phẩm để xem xét bổ sung, ban hành trong bộ tiêu chí về nông thôn mới cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2021-2025.

Đặng Hiếu