Vụ “vàng tặc” lộng hành tại Cao Bằng: Nhiều đối tượng bị lập biên bản, máy móc bị tạm giữ

Ngay sau khi Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải loạt bài viết liên quan đến tình trạng “vàng tặc” ngang nhiên lộng hành tại xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Lãnh đạo tỉnh này đã chỉ đạo huyện Bảo Lâm vào cuộc làm rõ, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng liên quan.

274535958_1006583779946128_9169823278776560504_n

Báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm về xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép.

Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm ngày 23/2 về kết qủa kiểm tra, giải toả hoạt động khai thác khoáng sản vàng trái pháp luật trên địa bàn xóm Nặm Đang, xã Nam Cao.

Tại khu vực này, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 02 vị trí có hoạt động khai thác khoáng sản vàng trái phép và tập kết máy móc, thiết bị hoạt động khai thác khoáng sản vàng.

Cụ thể tại điểm 01: Người hoạt động khai thác là ông Vi Ngọc Chính, SN 1984, thường trú tại xóm Nặm Đang, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Vị trí khai thác gần khu vực gần suối Nà Sầu.

Phương pháp khai thác: Lộ thiên, diện tích khu vực khai thác khoáng sản khoảng 350m2 (dài 35m, rộng 10, taluy khu vực khai thác cao 12m).

Máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản trái phép gồm 01 máy xúc nhãn hiệu Hitachi đã qua sử dụng, 01 đầu nổ D12 có kèm cỏ hút có gắn vòi bơm, hút nước, một máng chảy bằng gỗ.

Tại điểm 02: Tại khu vục suối Nà Sẩu, xóm Nặm Đang. Tại thời điểm kiểm tra không có hoạt động khai thác khoáng sản nhưng tại hiện trường có dấu hiệu đã xảy ra hoạt động đào bới, khai thác trước đó, và có tập kết một số máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản vàng gồm 03 đầu nổ, 03 củ hút, 15 mét vòi bơm hút nước kèm củ hút.

z3207185522561_9a8a859df4223a148891b07eebec6b8f-0943

Dấu vết đào đãi vàng đã cũ, bỏ lại trước đó vài tháng.

Theo người dân cho biết, người hoạt động khai thác là ông Đặng Hùng Sơn, hậu khẩu tại Thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Thời điểm kiểm tra ông Sơn không có mặt tại hiện trường.

Kết quả xử lý, theo báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm cho biết, tại điểm 01, Đoàn công tác đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu ông Vi Ngọc Chính dừng ngay mọi hoạt động khai thác khoáng sản vàng trái pháp luật của ông Vi Ngọc Chính để làm căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.

Tại vị trí 02: Đoàn công tác đã lập biên bản hiện trạng, lập biên bản tạm giữ toàn bộ máy móc, thiết bị tập kết tại hiện trường để làm căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.

z3194610187220_49e5082d3ab2976715d7f935617c5306-1006

Lán trại và các vật dụng nằm la liệt bên bờ suối.

Trong báo cáo này, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Mã Gia Hãnh cũng cho biết, UBND huyện sẽ lập thủ tục, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu phương tiện máy móc, thiết bị phục vụ khai thác khoáng sản trái phép của các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật.

Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: “Hiện nay UBND huyện Bảo Lâm đã thu giữ một số phương tiện và đang tiến hành xử lý, UBND tỉnh cũng có phương án chung bảo vệ khoáng sản và giao Sở TNMT, UBND các huyện chủ động triển khai khi phát hiện”.

z3194383895414_537c7b7c516764683ce93e6ab03c6acb-1006

Máy xúc hối hả làm công việc đào đãi vàng tại thôn Pắc Kén.

“Tôi xin cảm ơn PV và toà soạn báo đã phản ánh kịp thời để huyện và tỉnh nắm biết để xử lý các vụ việc”, ông Thảo bày tỏ.

Theo tìm hiểu của PV Báo Pháp luật Việt Nam, trên địa bàn xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm được UBND tỉnh Cao Bằng cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Đông. Doanh nghiệp này được phép khai thác bằng phương pháp hầm lò tại mỏ Nam Quang.

Trong quá trình khai thác, doanh nghiệp này đã bị UBND huyện Bảo Lâm xử phạt hành chính vì gây ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Tiếp, Trưởng phòng Đo đạc và Khoáng sản (Sở TNMT tỉnh Cao Bằng) cho biết, Sở TNMT đã tham mưu cho tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản cho 2 doanh nghiệp là Nguyễn Đông và Thế Dũng.

Chúng tôi sẽ thông tin về quá trình khai thác và các hồ sơ pháp lý liên quan đến 2 doanh nghiệp này.

Báo Pháp luật Việt Nam hoan nghênh sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền huyện Bảo Lâm. Tuy nhiên Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cao Bằng cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức đã buông lỏng quản lý, thậm chí làm ngơ cho các đối tượng khai thác trái phép khoáng sản nói trên, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, trên tinh thần không có vùng cấm, dù bất kể người đó là ai.

Theo điều 227, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên như sau:

1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;

b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Có tổ chức;

d) Gây sự cố môi trường;

đ) Làm chết người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, đối với tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên thì mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nguồn: Phapluatplus.vn