Xem “Quái thú”: Tình cha con tỏa sáng chốn sinh tồn

Xem “Quái thú”: Tình cha con tỏa sáng chốn sinh tồn ảnh 1

Đạo diễn Baltasar Kormákur (trái) đang chỉ đạo diễn xuất cho Idris Elba và hai sao trẻ Iyana Halley và Leah Jeffries

Anh hùng bất đắc dĩ

Trong phim “Quái thú” dài 93 phút, Elba thủ vai người đàn ông “gà trống nuôi con” Nate Samuels. Ông đưa 2 cô con gái gồm Meredith (18 tuổi) và Norah (13 tuổi) lên đường tham quan thám hiểm một khu bảo tồn động vật tại Nam Phi. Bất ngờ một con sư tử to lớn, hung tợn ngáng đường mọi người và là mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng họ. Nate phải tả xung hữu đột hết sức mình để bảo vệ bản thân cùng 2 con và cả người bạn thân khỏi nanh vuốt ác thú.

Idris Elba cho rằng, Nate là một nhân vật rất gần gũi đời thường. Anh ta không phải một “chiến binh” giỏi đánh đấm mà còn đang buồn bã bởi những sự cố gia đình đang trải qua. Thế nhưng sự xuất hiện bất ngờ của con sư tử cũng như trách nhiệm một người cha trước sự an toàn của 2 con đã khiến Nate trở thành “người hùng” bất đắt dĩ.

Bộ phim sẽ không thành công nếu không tạo hình CGI được hình ảnh con sư tử một cách chân thật và thuyết phục. Quái thú trong phim có kích thước khổng lồ (cơ thể dài bằng một chiếc xe hơi) với vũ khí là móng vuốt tàn bạo và sức mạnh khủng khiếp. Idris Elba phải đối đầu trực diện trong những cảnh hành động chiến đấu thực tế kéo dài liên tục. Những góc quay khéo léo, thông minh của đoàn phim cũng giúp khán giả như đang ở tại chỗ và trải nghiệm trận giao đấu cùng nhân vật.

Xem “Quái thú”: Tình cha con tỏa sáng chốn sinh tồn ảnh 2

Nữ diễn viên gốc Thái Lan Melanie Jarnson tham gia đóng trong phim “Quái thú”

Tình cảm gia đình

“Quái thú” không chỉ gây hồi hộp bằng cuộc chiến sinh tồn giữa người và thú mà bộ phim còn gửi những thông điệp ý nghĩa như Idris Elba thổ lộ: “Cùng với những yếu tố giật gân, phim là câu chuyện cảm xúc về tình cảm gia đình”. Ông cho biết mình nhận lời vào vai Nate trong phim vì kịch bản không chỉ có “sự giật gân, khắc nghiệt, căng thẳng” mà hàm chứa yếu tố tình cảm gia đình. Hai cô con gái là tất cả những gì còn lại đối với Nate sau khi vợ anh qua đời. Chuyến du khảo thiên nhiên như một hành trình hàn gắn mối quan hệ với hy vọng cuộc sống gia đình được cải thiện sau những lục đục tình cảm và mất mát lớn của cha con Nate.

“Quái thú” có thể ví như là một “phiên bản trên cạn” của bộ phim “Hàm cá mập” (Jaws) - bộ phim hành động kinh dị tạo nên tên tuổi của đạo diễn Steven Spielberg vào năm 1975. Những cuộc tấn công của con sư tử hung tợn nhằm vào nhân vật Tiến sĩ Daniels trong “Quái thú” rùng rợn chẳng khác gì cảnh con cá mập trắng tấn công du khách trên bãi biển trong phim “Hàm cá mập” trước đây.

Là người gốc Phi, Nate luôn yêu quý vẻ đẹp hoang dã của những thảo nguyên xanh tươi. Chuyến quay về quê hương Nam Phi cùng với 2 cô con gái như một mơ ước thành hiện thực đối với Nate. Khi đối diện sư tử, phẩm chất một người cha trỗi dậy hơn bao giờ hết và chỉ có chiến thắng mới giúp Nate lấy lại hình ảnh lẫn sự tin tưởng từ 2 con. Ông chứng minh rằng mình là một người cha đáng tin cậy và đồng hành. Nếu như Meredith thường phản ứng với cha thì cô em Norah hiền lành là nhân tố làm dịu sự căng thẳng.

Người hay thú mới là nạn nhân?

Trong bộ phim, con người một mặt là người hùng, nhưng dưới góc độ nào đó cũng đóng vai trò phản diện, là nguyên nhân chính đẩy loài sư tử đến bước đường cùng. Đằng sau bàn tay của những kẻ săn trộm, con sư tử kia bắt đầu tấn công con người và coi con người là kẻ thù bởi vì nó là con vật sống sót duy nhất của loài sư tử. Bộ phim đặt ra câu hỏi lớn mang tính đạo đức về bản năng sinh tồn, loài động vật hoang dã kia có thật sự nguy hiểm đối với con người hay chính con người mới là mối nguy thật sự đối với cuộc sống của chúng.

Ngoài việc lên án những kẻ săn trộm, nội dung bộ phim như một lời cảnh báo cho thấy những gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không tôn trọng tự nhiên và không đối xử với muôn loài một cách hợp lý. Khán giả cũng có thể tham khảo được nhiều kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân, cách sơ cứu… trong những tình huống khẩn cấp ở những nơi chốn xa xôi hẻo lánh khó tìm được sự trợ giúp y tế. Đôi khi trong những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, chỉ có bản lĩnh và tình yêu sống mãnh liệt tự thân sẽ giúp ta vượt qua lằn ranh sinh tử.

Xem “Quái thú”: Tình cha con tỏa sáng chốn sinh tồn ảnh 3
Đạo diễn Baltasar Kormákur (trái) trong buổi ra mắt phim toàn cầu

Đạo diễn Baltasar Kormákur (người Iceland) bắt đầu sự nghiệp từ năm 1996, từng thực hiện các phim sinh tồn gây tiếng vang như “Chiến thắng biển sâu” (The Deep - 2012), “Đỉnh Everest” (2015), “Giành anh từ biển” (Adrift - 2018), “Bốn bề băng giá” (Against the Ice - 2022).

“Chiến thắng biển sâu” là bộ phim sinh tồn đầu tiên của Kormákur, kể về một ngư dân tên Gulli sống sót sau một vụ chìm tàu và phải tìm cách quay lại đất liền trong làn nước lạnh Bắc Đại Tây Dương. Phim từng được Iceland đề cử tranh tài Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar lần thứ 85.

“Đỉnh Everest” là phim dựa trên thảm họa bão tuyết kinh hoàng có thật trên đỉnh nóc nhà thế giới vào tháng 5-1996. Hai đoàn leo núi dẫn đầu bởi hai tay thám hiểm kỳ cựu Rob Hall và Scott Fischer bất ngờ gặp bão và khiến một số thành viên tử nạn.

“Giành anh từ biển” có nội dung cũng dựa trên một câu chuyện có thật ngoài Thái Bình Dương hồi thập niên 1980. Câu chuyện tình cảm giữa cô gái trẻ 24 tuổi Tami Oldham (Shailene Woodley đóng) và chàng trai ngoài 30 Richard Sharp (Sam Claflin) nảy sinh tại hòn đảo xinh đẹp Tahiti.

“Bốn bề băng giá” cũng là phim dựa trên chuyện có thật về cuộc thám hiểm địa cực năm 1909 của hai người đàn ông. Họ phải cố gắng sinh tồn khi lạc giữa vùng đất bao la ở Greenland để tìm kiếm bản đồ bị mất.

Nguồn: Anninhthudo.vn