Mở lại phiên toà cụ ông mang án oan giết người gần 40 năm đòi bồi thường

Theo nguồn tin của PV, dự kiến ngày 1/4, TAND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ mở lại phiên xử vụ án dân sự về việc cụ ông Trần Ngọc Chinh kiện VKSND tỉnh đòi bồi thường gần 12 tỷ 870 triệu đồng vì bị hàm oan tội "Giết người".

Trước đó, ngày 10/3, phiên toà "Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự" với Nguyên đơn trong vụ án dân sự này là ông Trần Ngọc Chinh (SN 1941, Đồng Thịnh, Sông Lô, Vĩnh Phúc), bà Trần Thị Thắm (SN 1943, Đồng Thịnh, Sông Lô). Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là luật sư Nguyễn Văn Hưng (Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Phúc) đã được TAND tỉnh Vĩnh Phúc hoãn vì lí do Kiểm sát viên bị nhiễm Covid -19.

Bị đơn trong vụ án là Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Người đại diện theo pháp luật là ông Lê Tất Hiếu – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, phiên xử này đã phải tạm hoãn do kiểm sát viên đại diện cho VKSND tỉnh Vĩnh Phúc tham gia phiên xét xử bị mắc Covid-19.

Hình ảnh ông Trần Ngọc Chinh và em trai mình.

Hình ảnh ông Trần Ngọc Chinh và em trai mình.

Tôi rất sợ, sợ chết đi mà vẫn chưa nhận được tiền bồi thường!

Trao đổi với PV trước đó, Ông Trần Ngọc Chinh (81 tuổi; ở xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) - người mang án oan giết người vào năm 1980 cho biết: “Mấy hôm trước khi nghe tin phiên toà được diễn ra vào ngày 10/3, tôi mừng lắm, vì sau hơn 1 năm thụ lý vụ việc thì nay TAND tỉnh Vĩnh Phúc mới mở phiên toà. Hy vọng, sự việc sẽ nhanh chóng kết thúc để gia đình, bản thân tôi cũng yên tâm. Nhưng hôm nay đang trên đường đi đến toà án thì nghe thông báo hoãn phiên toà, tôi buồn lắm”.

Ông Trần Ngọc Chinh

Ông Trần Ngọc Chinh

“Sự việc lại chẳng biết kéo dài đến bao giờ”, ông Chinh nói.

Ông Chinh cũng chia sẻ thêm: “Nay tôi đã già rồi, sức khoẻ mỗi ngày một yếu, thế mà TAND tỉnh Vĩnh Phúc cứ chậm trễ giải quyết việc bồi thường oan sai khiến gia đình tôi cảm thấy rất ấm ức. Tôi luôn thấy bứt rứt trong lòng, không hiểu vì sao Nhà nước đã giải oan, xin lỗi công khai rồi, giờ chỉ còn mỗi việc bồi thường oan sai theo luật mà việc này lại cứ dai dẳng, kéo dài như thế?”.

“Rồi tôi lại sợ, sợ không còn trên cõi đời này thì sự việc nó sẽ như thế nào, vì nếu tôi còn sống và được Nhà nước bồi thường, tôi chia cho các con rồi mới yên lòng. Chứ khi nằm xuống thì các con tôi chưa biết quyền lợi như thế nào", ông Chinh chia sẻ.

Anh Trần Văn Mạnh (SN 1975, xã Đồng Thịnh, Sông Lô, Vĩnh Phúc) là con của ông Trần Trung Thám (77 tuổi (đã mất năm 1982), cũng cảm thấy sốt ruột vì đợi chờ mãi mới thấy TAND tỉnh Vĩnh Phúc đưa vụ việc tranh chấp bồi thường oan sai cho bố anh ra xét xử, nhưng hôm nay lại hoãn.

Anh Trần Văn Mạnh con của ông Trần Trung Thám.

Anh Trần Văn Mạnh con của ông Trần Trung Thám.

Anh Mạnh cũng cho biết thêm: "Mẹ tôi cũng già yếu rồi. Tôi chỉ mong vụ việc được giải quyết nhanh chóng để lấy tiền bồi thường bù đắp phần nào cho những năm tháng cơ cực, tủi nhục mà mẹ tôi phải gánh chịu. Bố tôi bị hàm oan thật sự rồi, được công khai xin lỗi rồi”.

Số tiền bao nhiêu để đổi lại gần 40 năm bị hàm oan?

Trước đó, Phapluatplus.vn (báo Pháp luật Việt Nam) có loạt bài về hành trình giải oan cho 3 cụ ông mang án oan giết người ở Vĩnh Phúc, các ban ngành tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc mạnh mẽ mà ngày 9/10/2019, tại trụ sở UBND xã Đồng Thịnh đã diễn ra buổi xin lỗi, cải chính công khai giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc đối với ông Trần Ngọc Chinh (81 tuổi) ông Trần Trung Thám (77 tuổi, em ruột ông Chinh, đã mất năm 1982) và ông Khổng Văn Đệ (89 tuổi), cùng trú tại xã Đồng Thịnh, đều bị truy tố oan tội "Giết người" vào năm 1980.

Sau khoảng 1 năm được xin lỗi công khai, gia đình ông Khổng Văn Đệ chấp nhận hơn 1,1 tỷ đồng tiền bồi thường oan sai từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, dù trước đó ông Đệ đề nghị được bồi thường hơn 5,2 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Chinh cùng người đại diện và gia đình đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc buộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh này bồi thường gần 13 tỷ đồng vì những tổn thất về thể xác, tinh thần sau khi bị mang án oan tội "Giết người" hàng chục năm qua.

Còn với gia đình em trai ông Chinh, ông Thám đã không may mắn để chờ đến ngày được giải oan, xin lỗi công khai như ông Chinh và ông Đệ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hành trình đi đòi tiền bồi thường của họ vẫn còn cả quá trình dài.

Gia đình ông Thám đề nghị được bồi thường 25 tỷ đồng, sau nhiều buổi thương lượng giữa Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, các bên vẫn chưa đi đến được sự thỏa thuận như mong muốn. Nên sau đó, sự việc được TAND tỉnh Vĩnh Phúc thụ lý giải quyết.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/1/1980, tại thôn Vạn Thắng xảy ra vụ án ông Chu Văn Quản - Bí thư chi bộ thôn - bị sát hại.

Lúc này, ông Chinh cùng nhiều người dân địa phương đã đứng ngoài theo dõi.Đến ngày 3/3/1980, khi ông Chinh đang trồng lạc ngoài đồng thì lực lượng Công an tỉnh Vĩnh Phú cùng chủ tịch UBND xã, công an địa phương đến đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông về tội giết người.

Chiều cùng ngày, ông bị đưa lên trại giam Phủ Đức và được xác định là kẻ chủ mưu của vụ án.Tại trại giam, ông Chinh phát hiện ngoài ông, công an còn bắt thêm em trai Trần Trung Thám và ông Khổng Văn Đệ (trú cùng thôn) và ông Nguyễn Đình Ký.

Trong quá trình bị tạm giam, ông Trần Trung Thám đã bị chết.Sau đó, quá trình điều tra xác định chỉ một mình ông Nguyễn Đình Ký phạm tội giết ông Chu Văn Quản. Ngày 15/6/1983, ông Ký bị TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên án tù chung thân.Ngày 10/10/1982, ông Chinh được VKSND tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định đình cứu vì không phạm tội giết người.

Sau đó, ông Chinh và ông Đệ lần lượt được trả tự do vì không liên quan đến vụ án ông Quản bị sát hại.Tuy nhiên, khi được trả tự do, các cơ quan tiến hành tố tụng Vĩnh Phú không hề xin lỗi hoặc cải chính công khai về việc đã hàm oan, khiến cả 3 người cùng gia đình chịu sự tủi nhục, sống trong sự kỳ thị của hàng xóm, láng giềng đến tận bây giờ.

Sau gần 40 năm, ngày 9/10/2019, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các cơ quan có liên quan đã tổ chức buổi cải chính, xin lỗi công khai đối với những cụ ông này.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ thông tin về phiên toà trên.

Nguồn: Phapluatplus.vn