Vụ kêu oan tội “Chống người thi hành công vụ” soi chiếu khách quan qua “lăng kính” Luật sư

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh sự việc, ông Vũ Tiến Minh, SN 1976, ở thôn Fi Nôm, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng bị Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng kết án về tội: “Chống người thi hành công vụ” quy định tại Khoản 1, Điều 330, Bộ luật Hình sự theo bản án hình sự sơ thẩm số 158/2021/HS-ST ngày 1/11/2021.

Để rộng đường dư luận và phản ánh vụ việc một cách khách quan, Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam phỏng vấn Luật sư Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công Ty Luật Hải Châu (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) liên quan đến vụ án và các căn cứ pháp lý cần quan tâm. 

PV: Liên quan tình huống vụ việc này, trước đó ngày 17/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 208/NĐ-CP quy định về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Các điều cấm đối với cán bộ công chức, người được giao thực hiện công vụ như thế nào thưa ông?

Ls Nguyễn Đình Hải: Khi thi hành công vụ cán bộ, công chức có thể gặp phải sự cản trở, chống đối ảnh hưởng công việc và an ninh, trật tự xã hội, gây nguy hiểm cho tính mạng của người thi hành công vụ cần phải xử lý kịp thời.

Nhưng bên cạnh đó, cũng có tình trạng, người thi hành công vụ lạm dụng quyền lực cố làm trái pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức.

Chính vì các lý do nêu trên mà loại tội phạm này được ban hành riêng một Nghị định quy định về các biện pháp phòng ngừa và xử lý khi xảy ra vi phạm.

1

Luật sư Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công Ty Luật Hải Châu (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai).

Cụ thể tại Điều 2 Nghị định 208/NĐ-CP ngày 17/12/2013 đối tượng áp dụng là người thi hành công vụ; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. 

Trong đó Điều 5 của Nghị định này cũng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người thi hành công vụ như sau:

a) Vi phạm trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong khi thi hành công vụ; b) Tham nhũng, tiêu cực, hách dịch, cửa quyền hoặc có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp; thái độ, tác phong, lời nói, ứng xử không đúng mực trong khi thi hành công vụ; c) Vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; vi phạm các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; d) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người khác và sự hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ; đ) Lợi dụng việc thi hành công vụ để giải quyết mâu thuẫn cá nhân hoặc vì mục đích cá nhân khác; e) Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

PV: Được biết, ông Vũ Tiến Minh bị Tòa án nhân huyện Đức Trọng kết án về tội: “Chống người thi hành công vụ”. Bị cáo có đơn kêu oan gửi các cấp có thẩm quyền, xin ông cho biết quan điểm của mình về việc kêu oan của ông Minh?

Ls Nguyễn Đình Hải: Việc kêu oan của ông Minh có cơ sở hay không sẽ do hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, để có thể kết tội: “Chống người thi hành công vụ” trong trường hợp này ngoài việc chứng minh về các yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 330 BLHS (Hành vi khách quan, chủ quan, chủ thể, khách thể) còn phải chứng minh về tính hợp pháp hay bất hợp của người thi hành công vụ.

Nếu các yếu tố nêu trên đủ cấu thành tội phạm nhưng việc thực thi công vụ tổ công tác liên ngành của huyện Đức Trọng về phòng chống dịch bệnh Covid-19 vi phạm điều cấm của pháp luật thì ông Vũ Tiến Minh sẽ không bị coi là phạm tội và đây là điểm khác biệt so với các tội phạm khác.

PV: Xin luật sư có thể giải thích rõ hơn về việc này?

LS Nguyễn Đình Hải: Như tôi đã nói ở trên, tại Điều 5 của Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người thi hành công vụ, trong đó hành vi đầu tiên bị nghiêm cấm đó là việc người thi hành công vụ vi phạm trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong khi thi hành công vụ.

Trong vụ án này, tổ công tác liên ngành của huyện Đức Trọng đã có dấu hiệu vi phạm điều cấm của pháp luật đối với công chức thi hành công vụ.

Cụ thể là khi đi kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, tổ công tác liên ngành của huyện Đức Trọng về phòng chống Covid-19 không có kế hoạch công tác, không có lệnh hay Quyết định kiểm tra, Quyết định phân công công việc đối với từng thành viên trong đoàn; không đeo biển-bảng tên...

Hơn thế, Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 8/6/2021 của UBND huyện Đức Trọng về việc kiện toàn đoàn kiểm tra liên ngành về phòng chống Covid-19 của huyện Đức Trọng là văn bản quy phạm pháp luật của UBND huyện Đức Trọng về việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 áp dụng chung cho toàn địa bàn huyện Đức Trọng và văn bản này không phải là Kế hoạch hay Quyết định kiểm tra của tổ công tác liên ngành về phòng chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, theo hồ sơ vụ án thì hầu hết các thành viên trong tổ công tác đặc biệt là bà Nguyễn Hoàng Phương Thảo (Người bị ông Minh cản trở không cho quay phim) không đeo bảng tên.

Khi bị bà Thảo dùng điện thoại hướng vào mặt mình quay phim, ông Minh đã phản đối và nhiều lần hỏi: “Chị quay phim tôi chị đã xin phép tôi chưa, chị là ai chị giới thiệu đi..” bà Thảo không trả lời từ đó ông Minh bức xúc và dùng tay gạt chiếc điện thoại không cho bà Thảo tiếp tục quay phim.

Ông Minh cho rằng do ông không biết đây là tổ công tác đi thực thi công vụ phòng chống Covid-19, ông chỉ được biết khi một đồng chí công an giải thích đây là tổ công tác liên ngành.

Cá nhân tôi cho rằng, tổ công tác làm không đúng trình tự, thủ tục khi tiến hành việc kiểm tra cơ sở kinh doanh ăn uống Linh Nhi vì việc công bố Quyết định hay lệnh kiểm tra phải được công bố công khai trước khi kiểm tra cơ sở kinh doanh. Việc công bố Quyết định và việc giải thích của một thành viên trong đoàn là hai việc khác nhau.

PV: Tại bản án sơ thẩm cho rằng do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, cấp bách vì vậy đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện việc kiểm tra đột xuất nên không xây dựng Chương trình, Kế hoạch và ban hành Quyết định kiểm tra, ý kiến của Luật sư về việc này như thế nào?

LS Nguyễn Đình Hải: Tôi không đồng ý với nhận định này của Toà án nhân dân huyện Đức Trọng trong bản án sơ thẩm bởi lẽ, xét về mặt thực tế tại thời điểm xảy ra vụ việc tình hình dịch bệnh tại huyện Đức Trọng nói riêng và Lâm Đồng nói chung chưa nghiêm trọng và chưa áp dụng Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Cho tới thời điểm hiện nay cũng chưa có văn bản pháp luật nào cho phép vì lý do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên công chức, viên chức thực thi công vụ được quyền làm trái pháp luật.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn cho rằng do ông Minh không phải là đối tượng kiểm tra nên không có quyền yêu cầu tổ công tác công bố Kế hoạch công tác hay Quyết định kiểm tra là không đúng pháp luật. Nhận định này của bản án sơ thẩm là trái với quy định tại Khoản 2, Điều 5, Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/2/2020 của Chính phủ quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Quan điểm này của cấp sơ thẩm đã tạo tiền lệ xấu cho các cán bộ, công chức tùy tiện vị phạm pháp luật khi thi hành công vụ được giao, làm mất lòng tin của nhân dân.

 PV: Theo Luật sư việc bà Nguyễn Hoàng Phương Thảo làm đơn trình báo công an về việc mình bị ông Minh hành hung và dọa giết, liệu đây có phải là căn cứ khởi tố ông Minh hay không?

LS Nguyễn Đình Hải: Trong quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 8/6/2021 của UBND huyện Đức Trọng về việc kiện toàn Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng chống Covid-19 trên địa bàn huyện Đức Trọng năm 2021 không có tên của bà Nguyễn Hoàng Phương Thảo.

Trong hồ sơ vụ án hiện nay cũng không có Quyết định của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đức Trọng về việc phân công bà Thảo tham gia đoàn công tác liên ngành. Như vậy, không có căn cứ để kết luận bà Thảo là công chức đi thi hành công vụ theo luật định.

Tôi thấy kỳ lạ về việc cơ quan điều tra khởi tố ông Minh trên cơ sở: “Đơn trình báo” của bà Thảo bởi lẽ nếu bà Thảo bị cản trở việc thực thi công vụ thì ngay lúc đó công an sẽ lập biên bản sự việc và có thể tạm giữ hình sự đối với ông Minh để làm căn cứ xử lý hình sự.

Chỉ khi nào cá nhân bà Thảo bị xâm hại thì bà Thảo mới làm đơn trình báo công an. Do đó,  việc Cơ quan điều tra – CA huyện Đức Trọng căn cứ vào đơn trình báo của bà Thảo để khởi tố vụ án “Chống người thi hành công vụ” là không  thuyết phục.

PV: Ngoài đơn kêu oan, ông Minh còn có đơn tố giác gửi Cục Điều tra –VKS nhân dân tối cao về việc Điều tra viên có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, ông có nhận xét gì về việc này?

LS Nguyễn Đình Hải: Tôi đã được đọc hồ án vụ án và cho rằng đơn tố giác của ông Minh về dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án là có cơ sở bởi lẽ: Theo đơn trình báo đề ngày 4/7/2021, bà Nguyễn Hoàng Phương Thảo đã nói rằng khi nộp đơn trình báo bà đã nộp clip hình ảnh do bà trực tiếp quay tại hiện trường bằng điện thoại di động ngày hôm đó để làm bằng chứng.

Tuy nhiên, trong bảng kê tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án do ông Lê Văn Tiệp – Điều tra viên lập ngày 3/8/2021 bàn giao cho VKS nhân dân huyện Đức Trọng  không ghi nhận về việc thu giữ chiếc điện thoại do bà Thảo dùng để quay phim và cũng không có clip hình ảnh do bà Thảo quay ngày hôm đó.

Điều quan trọng là phần đầu của đoạn clip do bà Thảo quay thể hiện việc tổ công tác liên ngành không công bố quyết định kiểm tra và ghi nhận việc ông Minh nhiều lần hỏi bà Thảo nhưng bà Thảo không trả lời. Như vậy, vật chứng quan trọng nhất của vụ án đã bị bỏ ra, không đưa vào hồ sơ vụ án.  

Ngay buổi chiều ngày 4/7/2021 Công an huyện Đức Trọng thu giữ đầu ghi hình 4 kênh màu đen đã qua sử dụng hiệu Dahua Technology của quán ăn Linh Nhi để phục vụ công tác điều tra.

Trong Quyết định số 265/CSĐT ngày 6/7/2021 của cơ quan điều tra về việc trưng cầu giám định có yêu cầu cơ quan giám định: “Trích xuất các file video clip của kênh 1, 3 và 4 trong khoảng thời gian từ 16h50 đến 18h00 ngày 4/7/2021 và mô tả diễn biến hành động vi phạm của Vũ Tiến Minh từ khi các thành viên đoàn kiểm tra liên ngành vào quán ăn kiểm tra”.

Khi xem xét đĩa ghi hình được trích xuất từ đầu thu (Camera) của quán Linh Nhi trong hồ sơ vụ án tôi thấy clip hình ảnh bắt đầu từ 17h51 phút và kết thúc lúc 17h51 phút 47 giây.

Như vậy, đoạn Clip hình ảnh  từ lúc 16h50 đến 17h50 bị cắt bỏ. Đoạn  video bị cắt bỏ này ghi lại cảnh đoàn kiểm tra liên ngành vào quán kiểm tra nhưng không công bố Quyết định kiểm tra.

Đoạn phim này cũng thể hiện việc ông Minh đã hỏi bà Thảo nhiều lần về việc quay phim và yêu cầu bà Thảo giới thiệu danh tính nhưng bà Thảo im lặng không trả lời.

Ngoài ra, bà Trịnh Thị Út Nhỏ (Chủ quán Linh Nhi) cho biết là sau khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra giao trả đầu thu của Camera cho quán Linh Nhi nhưng toàn bộ hình ảnh trong đầu thu này bị xóa hết.

Việc xóa tòa bộ dữ liệu hình ảnh trong đầu thu của quán Linh Nhi là tùy tiện và có chủ đích nhằm xóa dấu vết về việc cắt bỏ đoạn clip hình ảnh quan trọng như ông Minh nêu trong đơn tố giác.

Tôi cho rằng các tình tiết nêu trên có dấu hiệu của tội: “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo quy định tại Điều 375, Bộ luật Hình sự.

PV: Xin cảm ơn Luật sư về cuộc trao đổi này.

Nguồn: Phapluatplus.vn