Đơn vị thi công “đánh lận con đen” việc khai thác đất để làm dự án cầu ở huyện Đức Trọng?

Sử dụng đất chưa được cấp phép

Theo phản ánh của người dân địa phương, thời gian qua quá trình thi công cây cầu phục vụ người dân đi lại từ trung tâm huyện Đức Trọng đi xã Đà Loan, xã Đà Quyn của huyện này, một doanh nghiệp đã múc đất của các hộ dân gần đó để phục vụ quá trình thi công cầu, các điểm này hầu hết chưa được cấp phép.

Nguồn tin từ đại diện Ban Quản lý dự án giao thông (thuộc Sở giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng) được biết, các dự án trên là cầu Bà Trung và Bà Bống nằm trên đường ĐT. 729 thuộc xã Tà Năng, Đà Loan, huyện Đức Trọng được cơ quan có thẩm quyền tỉnh Lâm Đồng phê duyệt với số vồn đầu tư là 31 tỷ đồng. Trong đó, cầu Bà Trung là 25 tỷ đồng, còn lại cầu Bà Bống là 6 tỷ đồng.

Đây là dự án thuộc nhóm C, thiết kế theo tiêu chuẩn đường miền núi cấp IV, gồm hạng mục xây dựng phần cầu và phần đường dẫn lên đầu cầu. Theo đó, 2 cây cầu này được xây dựng bê tông cốt thép vĩnh cửu…

DSC00424

Đơn vị thi công đã thực hiện san, đắp với khối lượng đất khá lớn được vận chuyển từ mỏ đất chưa được cấp phép.

Được biết, dự án được được khởi công từ tháng 1/2021, dự kiến thông xe vào ngày 30/4/2022.

Tuy nhiên, quá trình thi công xây dựng cầu bà Trung, Công ty CP xây dựng công trình cầu 510 (trụ sở tại: Số 02 Trường Sơn, P. Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã khai thác đất tại địa điểm chưa được cấp phép để san nền đường lên cầu.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, phương án thi công nằm trên giấy của đơn vị là lấy đất từ một mỏ đất tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng để san lấp, lu nền đường lên cầu. Tuy nhiên, khi thực hiện đơn vị lại không thực hiện theo phương án ban đầu.

Mới chỉ đang lấy mẫu đất đi xét nghiệm

Có mặt tại địa phương trên tìm hiểu, phóng viên ghi nhận địa điểm đơn vị này múc đất mới nhất để san nền đường làm cầu Bà Trung là tại đồi đất đằng sau đại lý vật liệu xây dựng Hoàng Hà có địa chỉ tại thôn Tà Nhiên, xã Tà Năng. Theo người dân, địa điểm này hiện tại vẫn chưa được cấp phép là mỏ đất để phục vụ cho quá trình thi công dự án.

Về nội dung này, xác nhận với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ông Phạm Ngọc Hòa, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tà Năng cho biết đã nắm được nội dung trên. Đồng thời, chính quyền xã đã xuống đình chỉ đơn vị thi công không cho tiếp tục lấy đất tại địa điểm này.

“Đến nay quanh đây chỉ có mỗi một mỏ đất ở xã Phú Hội được cấp phép, nhưng lại cách đây khá xa, xã cũng mong muốn cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho một mỏ đất ở gần đây hoạt động để tiện cho người dân phát triển kinh tế”. Ông Hòa trình bày.

273975992_460530955807827_828924416039546715_n

Khu vực đơn vị thi công lấy đất để làm đường dẫn lên cầu.

Về phía đại diện chủ đầu tư, ông Trịnh Xuân Danh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông (Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng) cho hay, thực tế dự án được dự toán sẽ lấy đất quanh khu công trình là 5km. Đơn vị thi công cũng đang lấy mẫu đất tại 5 điểm gần khu vực công trình để làm thí nghiệm, nếu được sẽ làm hồ sơ và nộp thuế đầy đủ.

Còn đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng công trình cầu 510, đại diện là ông Trần Công Thạnh, Phó Giám đốc công ty cho biết: “Trong hồ sơ, chúng tôi được tính chi phí vận chuyển đất đào, đắp trong phạm vi 10km. Tuy nhiên, quanh đây không có mỏ đất ở phạm vi đó nên buộc phải xin lấy mẫu đất tại 5 vị trí quanh công trình để xét nghiệm.

Thêm vào đó, công ty đã làm hợp đồng với đơn vị cung cấp đất, khi tìm được mỏ đất đạt tiêu chuẩn thì đơn vị cung cấp sẽ phải làm hồ sơ và nộp phí tài nguyên môi trường và các loại phí khác đầy đủ để chúng tôi làm thủ tục”.

Việc sử dụng đất không theo phương án ban đầu, chưa có kết quả kiểm nghiệm rõ ràng về loại đất đã đổ làm nền đường lên cầu đặt ra câu hỏi liệu công trình cầu Bà Trung có đạt chất lượng như mong đợi(?).

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: Phapluatplus.vn