Triển lãm Mỹ thuật “ CẢM HỨNG BẤT TẬN"

Sinh thời họa sĩ Trần Văn Cẩn - Chủ tịch Hội đồng Mỹ thuật Việt Nam được cơ quan Văn hóa Pháp tặng phiên bản bức tượng "Vệ nữ thành Milô", kiệt tác về thân hình người phụ nữ đẹp nhất hành tinh, hiện được đặt tại sân trường Đại học Mỹ thuật 42 Yết Kiêu - Hà Nội.

Năm 1800, họa sĩ Goya người Tây Ban Nha trình làng tác phẩm "Maja khỏa thân" quá đẹp mà gây tốn bao giấy mực ca ngợi. Ở Việt Nam ta hàng ngàn năm trước, cha ông ta đã làm nên tác phẩm "Vũ nữ Trà Kiệu". Sắc đẹp của người phụ nữ được tụng ca từ Tây sang Đông, từ cổ đến kim, từ vua chúa đến dân thường đều chân quý vẻ đẹp bất tận đó.

Từ thời vua Hùng đã có hình ảnh Chử Đồng Tử cùng công chúa Tiên Dung  thuần khiết giàu chất thơ; lão họa sĩ Nguyễn Phan Chánh ở tuổi ngoài tám mươi vẫn say mê vẽ thiếu nữ tắm trăng với nhan đề "trăng tỏ trăng lu", các nghệ nhân xưa cũng lãng mạn thể hiện trên tranh khắc Đông Hồ qua bức "đánh ghen".

Vẽ khỏa thân nằm trong môn học hình họa bắt buộc tại các trường mỹ thuật, sau ngày nước ta độc lập có nhiều họa sĩ thành danh trong chủ đề này nhưng chưa nhiều cuộc triển lãm chuyên đề. Lần này nhóm họa sĩ hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam tập hợp bước đầu nhằm nâng cao trình thẩm mỹ cho công chúng yêu nghệ thuật và cũng là dịp các tác giả thể hiện các bút pháp khác nhau xoay quanh chủ đề muôn thuở - khỏa thân.

Gặp lại Bùi Xuân Phái trong tác phẩm "Thiếu nữ nằm" một hình ảnh chắt chiu cái đẹp của thời bao cấp khốn khó: vào hè đâu có máy lạnh như ngày nay chỉ có quạt nan phe phẩy cứu rỗi, cô gái nằm vắt chân chữ ngũ ngõ hầu tự thông gió, mang lại góc nhìn đầy đặn khối hình.

Nguyễn Bích thể hiện tình yêu ở tuổi "xuân thì", ông may mắn có mẫu đẹp nên vẽ liên hồi, tuy vẽ mực nho lên giấy báo nhưng ông nâng niu kẹp nó trong hai lớp kính ở cả trước và sau tranh, phòng mối mọt. Linh Chi vốn người nhỏ nhắn tao nhã nhưng kiếm được cô mẫu tròn lẳn căng đầy sức sống. Lê Năng Hiển sẵn nổi tiếng trong tranh "Maja phương Đông", nay vẫn tỏa hương khoe sắc trong "Thiếu nữ và hoa". Trần Huy Oánh ở đầu 1960 đã nổi tiếng trong tác phẩm "Thợ mỏ tắm", trong cái đà ấy, ông cho ra đời nhiều tranh "Họa sĩ và người mẫu", đầu năm 2019 có tranh đấu giá đạt gần 400 triệu đồng (tranh cỡ 55 x 80).

Lê Công Thành là nhà điều khắc tài ba chuyên săn thờ phái đẹp ở cả tranh và tượng với cách tạo hình cách điệu mạch lạc, sống động, nhịp sáng tạo đồng điệu với vợ ông, nữ họa sĩ Kim Thái. Lê Trí Dũng không chỉ nổi tiếng vẽ ngựa, ông còn khéo kết hợp giữa người đẹp nóng bỏng với dáng ngựa dũng mãnh. Trần Khánh Chương bay bổng, phóng khoáng trong loạt tranh "Thiếu nữ và hoa", được ông thể hiện nhuần nhị trong chất liệu Tempêra trên lụa.

Nguyễn Phú Kim có tranh "Giấc nồng", bố cục lạ mà đẹp, hỏi ông già độc thân: "Cụ bịa được à?", cụ đon đả trả lời: "Mình có mẫu đàng hoàng!", giống như cụ Trọng Cát chỉ với chiếc bút chì vẫn thể hiện được vẻ nõn nà như tranh sơn dầu của Nguyễn Văn Chung.

Vẽ khỏa thân còn là niềm đam mê của các họa sĩ: Đoàn Hồng, An Chương, Trần Đốc, Lê Ngọc Hân, Phùng Di Thuần, Lê Đức Biết, Ngô Thành Nhân, Đặng Quý Khoa, Lương Xuân Trình, Tô Liên, Trịnh Minh Hướng, Hoàng Nguyên Đoan, Phạm Đức Phong, Lê Đình Quỳ, Cao Trọng Thiềm, Mai San, Trần Tuy... Vẽ tranh khỏa thân vẫn luôn là cảm xúc bất tận nhằm tôn vinh cái đẹp nhân loại muôn thuở.

Thùy Chi