Chiếc bánh chưng của mẹ gợi nhớ ký ức thắm đượm hồn quê

Gió xuân thì thào trên ngọn lá, đong đưa cánh võng khiến tôi buồn ngủ ríu cả mắt. Mẹ tôi chợt lên tiếng "Tụi bay làm biếng quá! Cái gì cũng mua. Tao chết, đám giỗ tao là phải có bánh chưng do tụi bay gói lấy. Liệu mà lo học gói bánh đi con! Cô giáo gì suốt ngày dạy học trò tìm về cội nguồn, tìm lại phong tục tập quán xưa mà chỉ nói suông, đố biết làm cái gì".

Giọng mẹ đều đều nhỏ nhẹ vậy mà làm tôi sực tỉnh. Tôi ngồi dậy, nhìn mái tóc bạc phơ, đôi tay gầy guộc của mẹ; bỗng dưng ký ức về những cái Tết đầm ấm bao năm trước đây, qua đôi bàn tay gói bánh khéo léo của mẹ, như được đánh thức…

Bai bao xuan_hothithuhang_banh chung cua me_h 1

 

Bai bao xuan_hothithuhang_banh chung cua me_h 2

 

Những cái Tết đầm ấm bao năm trước đây, qua đôi bàn tay gói bánh khéo léo của mẹ, như được đánh thức…

Những cái Tết đầm ấm bao năm trước đây, qua đôi bàn tay gói bánh khéo léo của mẹ, như được đánh thức.

Từ hai lăm Tết, nhà tôi đã chuẩn bị đủ nếp, đậu xanh. Lá dong gói bánh chưng màu xanh đậm, loại bóng, cuống nhỏ. Mọi người sẽ chọn lá không to, không nhỏ, vừa vặn, không già, không non, để lá bớt cứng phải rọc bớt phần sống lưng. Sau đó, mọi người lại chọn lá vừa ý đem rửa sạch từng mặt, phơi chỗ thoáng cho ráo nước, rồi xếp thành từng xấp. Lá dong càng sạch, bánh chưng sẽ đỡ bị mốc khi để lâu sau này.

Những tấm thịt ba chỉ lợn đỏ tươi, trắng phau được mẹ chọn mua từ chiều hai chín rồi rửa sạch, cắt thành từng miếng dài, ướp tiêu, muối, củ hành được giã nhuyễn. Nếp và đậu xanh được ngâm nước từ đêm hai chín. Qua sáng ba mươi, nếp được vo sạch để ráo nước, trộn ít muối vào cho vừa ăn. Đậu xanh đãi vỏ sạch vàng óng cũng nêm nếm ít muối cho đậu không bị sượng.

Gói bánh chưng là cả một nghệ thuật đã đành, mà cột dây cũng là một nghệ thuật nữa. Dây cột là lạt tre phải ngâm cho mềm để lúc gói khỏi bị gãy. Dưới bàn tay khéo léo của người gói bánh có kinh nghiệm, những sợi lạt tre dẻo dai xiết chặt vào chiếc bánh làm hằn lên những đường bánh vuông vức, phẳng phiu, chắc nịch. Các mối dây thừa sẽ được để về cùng một phía lưng bánh cho đẹp.

Xếp bánh vào nồi phải thật khéo để bánh chín đều, không bị sống phía có nhiều lá. Trên cùng nồi bánh là một vài nhánh cây lá gai giúp cho bánh có màu xanh ngọt ngào như ngọc thạch.

Ngồi quanh bếp lửa hồng, nghe tiếng reo của lửa củi, tiếng sùng sục ầm ừ trong nồi bánh, chúng tôi đợi thời gian cuối cùng của một năm thong thả qua đi, thấm thía cái hương vị Tết cổ truyền.

Còn hương vị của những chiếc bánh chưng quê tôi thì sao? Màu trắng trong của mỡ, màu vàng tươi của đậu, màu xanh ngọc của nếp hài hòa quyện nhau mời gọi…

Cái vị Tết cổ truyền từ bao đời của cha ông chỉ giản dị mà thắm đượm hồn quê như thế.

Chợt nghĩ một mai, nếu như… Lòng tôi nao nao chùng lại. 

Nguồn: Phapluatplus.vn