Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh rời ghế giữa lúc tiến độ dự án Long Thành tăng tốc

Ông Thanh sinh năm 1963, có trình độ Thạc sĩ Quản lý Nhà nước, từng giữ chức Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Năm 2017, ông được điều chuyển và bổ nhiệm làm Chủ tịch ACV, đồng thời là đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này.

Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh rời ghế giữa lúc tiến độ dự án Long Thành tăng tốc
Ông Lại Xuân Thanh. Ảnh: ACV.

Sau khi ông Thanh nghỉ hưu, ACV chưa công bố danh tính người kế nhiệm. Hiện, HĐQT ACV gồm 6 thành viên: ông Vũ Thế Phiệt, ông Đào Việt Dũng, ông Lê Văn Khiên, ông Nguyễn Ngọc Quý và hai bà Lê Thị Diệu Thúy, Nguyễn Thị Hồng Phượng.

Trong nhiệm kỳ của ông Lại Xuân Thanh, ACV được giao làm chủ đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sự kiện ông Thanh từ nhiệm diễn ra khi ACV đang đẩy nhanh tiến độ dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, cùng với nhiều vấn đề đáng chú ý từ báo cáo tài chính của công ty, một trong số đó là vấn đề quyết toán cổ phần hóa vẫn còn bỏ ngỏ.

Cụ thể, trong báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2024, kiểm toán nêu rõ ACV chưa nhận được quyết định phê duyệt quyết toán cổ phần hóa kể từ khi chuyển đổi thành công ty cổ phần vào ngày 31/3/2016. Theo quyết định số 2007 ngày 7/12/2020, ACV được giao quản lý các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, do Nhà nước đầu tư và không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, ACV vẫn ghi nhận doanh thu và chi phí từ khai thác các tài sản này vào kết quả kinh doanh hợp nhất và thực hiện nghĩa vụ Nhà nước.

Đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa phê duyệt giá trị tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính.

Về hoạt động kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, ACV ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 15,7% so với cùng kỳ, đạt 11.178 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 44,9% lên 6.148 tỷ đồng. Đặc biệt, công ty cũng ghi nhận lãi tỷ giá không phải tiền mặt 434 tỷ đồng từ khoản vay ODA bằng đồng Yên Nhật, khi đồng Yên mất giá mạnh trong quý II/2024.

Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá vẫn hiện hữu khi đồng Yên gần đây tăng giá so với USD và VND. Nếu tỷ giá JPY/VND tăng thêm 1%, ACV có thể chịu lỗ tỷ giá 110 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thu nhập lãi của ACV giảm dần, từ hơn 400 tỷ đồng các quý trước xuống còn hơn 200 tỷ đồng trong quý 2/2024, do công ty đang tập trung đầu tư vào các dự án lớn như Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và Nhà ga số 3 - Sân bay Tân Sơn Nhất.

Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của ACV tăng hơn 2.456 tỷ đồng, lên 69.803 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản tiền gửi ngân hàng giảm 10,3% xuống còn 23.223 tỷ đồng, trong khi các khoản phải thu ngắn hạn lại tăng 8,7%, đạt 13.780 tỷ đồng.

Đặc biệt, nợ xấu của ACV tăng 45% so với đầu năm, lên 8.256 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải thu quá hạn từ các hãng hàng không như Bamboo Airways (2.265 tỷ đồng), Pacific Airlines (880 tỷ đồng) và Vietnam Airlines (385 tỷ đồng).

Nguồn: Kinh tế chứng khoán