Những người truyền cảm hứng

Tiếng máy thở, tiếng tít tít của máy monitor theo dõi, hiệu lệnh "Adrenaline" hay lời động viên bệnh nhân "Cố gắng lên nhé, sắp về với gia đình rồi" vẫn đều đặn, đều đặn nơi ấy...

Những ngày chập chững, ngổn ngang

Cuối tháng 7/2021, số ca nhiễm COVID-19 ở Vĩnh Long tăng mạnh. Khu thu dung, điều trị bệnh nhân nặng của Vĩnh Long khi đó đặt ở BVĐK tỉnh, chỉ có 3 bác sĩ và 8 điều dưỡng, chăm sóc, điều trị tới gần 50 bệnh nhân nặng, tiên lượng nặng với khoảng 9 ca thở máy/ngày, hầu như ngày nào cũng có vài ca tử vong. BS. Đoàn Văn Hùng, Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long cho hay, thời điểm đó, một ngày đơn vị này tiếp nhận từ 7-10 F0 nặng, có những lúc họ đã nghĩ tới việc không kham nổi. "Khủng khiếp, ngổn ngang" là tình trạng mà không ít thầy thuốc ở Vĩnh Long nhớ mãi thời điểm đó. Bệnh nhân nặng "dồn toa". Áp lực dồn áp lực lên các y, bác sĩ.

"Sắp có đoàn bác sĩ Trung ương vào hỗ trợ rồi", lời thông báo của lãnh đạo BVĐK tỉnh Vĩnh Long với các thầy thuốc khu điều trị COVID-19 nặng, gieo nhiều hi vọng... Bác sĩ trẻ Huỳnh Tuấn Anh và nhiều người khác đã xung phong tới khu điều trị ICU. "Có thể ngày nào đó mình hoặc người nhà mình thành F0, mình cần hiểu về nó để trị nó...", BS. Tuấn Anh nhớ lại thời điểm đó.

tr18-195-1643205146044242971708

Căng thẳng giây phút cấp cứu người bệnh COVID-19. Ảnh: BVCC

Ở Hà Nội, ngay khi nhận được yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế giao thiết lập Trung tâm hồi sức COVID-19 ở Vĩnh Long, lãnh đạo BV Nhi Trung ương, BV Nội tiết Trung ương đã nhanh chóng liên lạc, trao đổi phía địa phương và trực tiếp vào Vĩnh Long để nắm tình hình. "Chúng tôi chỉ biết là tình hình rất căng..." - TS.BS. Phan Hữu Phúc, Phó trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, BV Nhi Trung ương nhớ lại và cho biết thêm - "Chưa hình dung nổi công việc sẽ ra sao".

Chỉ có 3 ngày cuối tuần chuẩn bị để lên đường, TS.BS. Phan Hữu Phúc (sau này là Phó Giám đốc Trung tâm ICU Vĩnh Long - PV) bắt đầu lên danh sách các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ... "cứng" của từng khoa, phòng, đơn vị. Không chỉ nhân lực, các anh còn dự trù từ trang phục bảo hộ, khẩu trang, thuốc men, trang thiết bị, đề xuất với kho hậu cần của Bộ Y tế ở miền Nam để điều động cho Vĩnh Long... 

Ngày 3/8/2021, chuyến bay đưa đoàn cán bộ gồm 26 thành viên của BV Nhi Trung ương và 130 thùng hàng lớn trang thiết bị vào Vĩnh Long. Tất cả bắt tay vào công việc.

Với những cán bộ y tế chưa từng hoặc ít tiếp xúc khu điều trị hồi sức tích cực, có lẽ tiếng máy thở, tiếng tít tít của máy theo dõi monitor... sẽ ám ảnh cả trong giấc ngủ. Lại có những người ám ảnh với sự ra đi của các bệnh nhân. "Không ai quen với cái chết cả", nhưng với các bác sĩ hồi sức lâu năm như TS.BS. Phan Hữu Phúc hay các cán bộ Khoa Điều trị tích cực nội khoa tham gia Trung tâm ICU, nỗi ám ảnh nhất chính là trót "nặng tình" với bệnh nhân sau quá trình chăm sóc, điều trị.

Nỗ lực không mệt mỏi

Hành trang ngày lên đường vào Nam của hơn 20 thầy thuốc, cán bộ BV Nhi Trung ương là tinh thần: Vì sức khỏe nhân dân. Bắt đầu là những cuộc họp xem xét về nhân lực, cách thức làm việc, quy trình kiểm soát lây nhiễm, phương tiện phòng hộ, điều kiện ăn ở của cán bộ... Trong đó, tái thiết quy trình làm việc cụ thể hóa phác đồ điều trị phù hợp thực tế và đảm bảo dự phòng lây nhiễm từ những chiếc khẩu trang là những việc phải thay đổi ngay.

Thay vì làm luân phiên 24 giờ liên tục và trong 21 ngày rồi về cách ly, các bác sĩ, điều dưỡng sẽ chia "3 ca, 4 kíp" để duy trì và tái tạo sức lao động. Đó cũng là cách thức làm việc của các khoa hồi sức tích cực hầu hết các BV Trung ương và được áp dụng triệt để tại Trung tâm ICU Vĩnh Long.

Untitled

Bác sĩ hội chẩn ca bệnh COVID-19 nặng. Ảnh: BVCC

PGS.TS. Trần Minh Điển - Giám đốc BV Nhi Trung ương, đồng thời là Giám đốc Trung tâm ICU Vĩnh Long cho biết, các thầy thuốc 3 BV Nhi Trung ương, Nội tiết Trung ương và BVĐK tỉnh Vĩnh Long đều có kiến thức cơ bản về công tác hồi sức, còn hồi sức COVID-19 là loại tổn thương cơ thể họ chưa từng gặp. Nhưng họ đã cùng nhau tìm hiểu, áp dụng thành công mô hình cá thể hoá mỗi một người bệnh, phân tích dấu hiệu, triệu chứng từng người để đưa ra chế độ điều trị, chăm sóc riêng.

"Cá thể hoá từng ca bệnh cũng chính là điểm cốt lõi, làm thay đổi "cục diện" Trung tâm ICU ngay những tuần đầu tiên thành lập. Thời điểm ấy, lượng bệnh nhân nặng chuyển lên tiếp tục tăng, nhưng số ca tử vong giảm dần, thậm chí không có bệnh nhân phải đặt ECMO", TS.BS. Phan Hữu Phúc chia sẻ.

"Các anh cứu được bệnh nhân nặng, đồng thời cũng "cứu" được tinh thần các thầy thuốc", BS. Huỳnh Tuấn Anh nhớ lại. Ông H.N.C. (ở thị xã Bình Minh) là một trong những bệnh nhân COVID-19 nặng, tiên lượng tử vong và được cứu sống thần kỳ như thế. "Nếu các bác sĩ Trung ương không vào kịp, khi bệnh nhân suy hô hấp, chúng tôi sẽ cho thở máy ngay như bao bệnh nhân khác, bởi không có máy HFNC", BS. Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.

Gần 3 tháng sau khi ra viện, ông C. nghẹn ngào nhớ lại những ngày không thở nổi, hụt hơi, được điều dưỡng Trường dìu ngồi dựa tường từ sáng tới chiều. Ông được các y, bác sĩ động viên, khơi dậy tinh thần kiên cường trong những lúc ông đuối nhất. "Tôi chưa lúc nào nghĩ mình lại cần người đút cơm, đút cháo. Vậy mà các thầy thuốc đã kiên nhẫn bón cháo cho tôi những ngày tôi đến thở cũng không nổi", ông C. chia sẻ.

Không chỉ tận tình chăm sóc ông những ngày trở nặng, các thầy thuốc còn hướng dẫn ông tập thể dục, tập thở để phổi tốt lên, rồi vật lý trị liệu, ngày 2 lần hướng dẫn ông nằm sấp, bác sĩ chụm tay lại vỗ lưng để phổi tốt hơn... "Biết ơn các thầy thuốc đã cứu sống tôi. Lúc điều trị, bác sĩ bảo làm gì tôi cũng không ngán, chỉ cần khoẻ là được. Ra viện, các bác sĩ, điều dưỡng còn hẹn tôi đi khám lại, liên lạc thường xuyên", ông C. nói.

"Điều các bác sĩ trẻ, công tác tuyến tỉnh như chúng tôi thấy rất biết ơn, đó là sự tôn trọng của các bác sĩ tuyến trên, sẵn sàng lấy ý kiến của chúng tôi về các bệnh lý người lớn để nghiên cứu, đưa vào phác đồ, điều chỉnh cho từng bệnh nhân sao cho phù hợp nhất", BS. Huỳnh Tuấn Anh, người mới có 4 năm trong nghề, tâm sự.

Làm việc với "các thầy Trung ương" từ BV Nhi Trung ương hay Nội tiết Trung ương, với điều dưỡng Trường hay BS. Tuấn Anh đều chung cảm nhận về sự chuyên nghiệp, tỉ mỉ, logic... Không chỉ học được từ các bác sĩ, những người trẻ tuổi như BS. Tuấn Anh cũng học rất nhiều từ các điều dưỡng cùng kíp trực. 

"Quãng thời gian làm việc trong thời điểm "nước sôi, lửa bỏng" cùng "các thầy Trung ương" là những trải nghiệm mà chúng tôi không thể quên trong cuộc đời y khoa của mình", BS. Đoàn Kiến Thức, Khoa Ngoại tổng quát, BVĐK tỉnh Vĩnh Long chia sẻ. Anh bảo, không chỉ được "cứu rỗi tinh thần" những ngày đầu tột độ hoang mang vô định, các anh đã được học, được làm, được dìu dắt bởi những những người "truyền lửa", giúp các anh không chỉ tự tin đảm nhiệm chuyên môn điều trị COVID-19 mà còn các lĩnh vực khác để có những định hướng tốt trong nghề nghiệp.

Xin từ chối hai chữ "cống hiến", "hi sinh"

"Chúng tôi nhớ tất cả những bệnh nhân mình điều trị, chi tiết, cụ thể. Các điều dưỡng, bác sĩ chăm sóc, điều trị, trò chuyện, động viên, chứng kiến những trồi sụt trong diễn biến bệnh của các F0... nhưng rồi, một ngày, bệnh nhân đột ngột ra đi, dù trước đó họ đã có những tín hiệu hồi phục. Có những trường hợp các cụ già như bố mẹ mình ở quê, nhưng khi bệnh tật, họ chỉ có một mình, lúc ra đi cũng một mình. Đó là nỗi ám ảnh với chúng tôi, đặc biệt là với các điều dưỡng...", TS.BS. Phan Hữu Phúc trầm ngâm.

Ân tình người miền Tây cũng là điều khiến các bác sĩ Hà Nội nhớ mãi. Đó là vị chủ khách sạn sát cạnh Trung tâm ICU sẵn sàng xếp chỗ đón các bác sĩ - những người ra đi chưa hẹn ngày về. Vì khách sạn không đủ chỗ, họ tự nguyện thuê nhà bên cạnh, lắp điều hoà để bác sĩ tiện đi lại, nghỉ ngơi. Đó là những người dân sống gần trung tâm, với những lời hỏi thăm, những gói hoa quả còn tươi mát dúi vào tay các bác sĩ những khi họ vừa rời ca trực... Đó là những chiến sĩ công an hỗ trợ thực phẩm, xe cộ đưa đón, vận chuyển... Đó là những tiếp ứng khẩn cấp từ khẩu trang, đồ bảo hộ, đến cả oxy y tế lúc nửa đêm của các đồng nghiệp. Đó là những dòng thư dễ thương của các em nhỏ có thời gian chứng kiến quãng thời gian hoạt động của các bác sĩ Hà Nội vào...

16432052422731001385252.

Thầy thuốc quyết chiến thắng dịch COVID-19 mới trở về.

Những ngày cuối tháng 12/2021, gần 60 y, bác sĩ BV Nhi Trung ương vẫn có mặt tại Trung tâm ICU Vĩnh Long, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Với hàng trăm lượt bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của BV Nhi Trung ương đã lên đường vào Vĩnh Long, thì hàng trăm bệnh nhân nguy kịch được cứu sống, bình an trở về gia đình. Nhưng tất thảy, các thầy thuốc lại từ chối hai tiếng "hi sinh" hay "cống hiến" để nói về những nỗ lực suốt 120 ngày qua. "Đó là trách nhiệm của người thầy thuốc, vì sức khỏe nhân dân", TS.BS. Phan Hữu Phúc nói...          

Link gốc: https://suckhoedoisong.vn/nhung-nguoi-truyen-cam-hung-169220126210332132.htm

Nguồn: Phapluatplus.vn