Trường Cao đẳng Công thương miền Trung: Hành trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

TS. Trần Kim Quyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung tại buổi hội thảo các nhiệm vụ đề án 844 -Bước đột phá chiến lược. 

Thay đổi từ nhận thức đến hành động
Ngay từ khi mới thành lập, MITC đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong việc tạo dựng vị thế trong thời đại hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Nhà trường đã tập trung đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, hình thành một môi trường học tập năng động, đa dạng, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên khám phá và phát huy tiềm năng sáng tạo.
Bắt đầu từ năm 2016, MITC đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm và cuộc thi khởi nghiệp nhằm lan tỏa tinh thần ĐMST đến sinh viên. Hội thi “Ý tưởng Khởi Nghiệp” trở thành hoạt động thường niên, thu hút hàng trăm sinh viên tham gia, góp phần thúc đẩy niềm đam mê khởi nghiệp trong giới trẻ. Đặc biệt, từ năm 2016 đến 2018, số lượng dự án tham gia liên tục gia tăng với những ý tưởng độc đáo, thực tiễn, thể hiện được năng lực và niềm khao khát to lớn của sinh viên trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Năm 2018, MITC chính thức thành lập Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp và Đổi mới Sáng tạo. Đây không chỉ là một cột mốc đánh dấu sự phát triển của Nhà trường mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh và bền vững. Trung tâm tập trung vào việc tạo môi trường hỗ trợ toàn diện cho sinh viên và các startup tiềm năng, từ đào tạo kỹ năng, tư vấn chiến lược, đến kết nối với các nguồn lực tài chính và đối tác chiến lược.
Trong giai đoạn 2018-2021, MITC đã thành công trong việc triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 844 của Chính phủ. Với sự hỗ trợ từ Sở Khoa học & Công nghệ Phú Yên, cùng với sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức và cá nhân làm công tác khởi nghiệp ĐMST trên cả nước, MITC đã tổ chức hàng loạt hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp như các khóa huấn luyện, hội thảo, và các chương trình kết nối doanh nghiệp – nhà đầu tư.

Đào tạo giảng viên nguồn ToT cho Hệ sinh thái tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp và Đổi mới Sáng tạo – MITC. 

Những chương trình này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp mà còn tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, giúp sinh viên và các startup địa phương phát triển, đưa ý tưởng khởi nghiệp từ giai đoạn ý tưởng đến hiện thực. Kết quả là một số dự án khởi nghiệp đã thành công nhận được vốn đầu tư và đưa sản phẩm ra thị trường.
Hội tụ nguồn lực và tăng tốc phát triển hệ sinh thái
Từ năm 2022 đến nay, MITC đã bước vào giai đoạn hội tụ và tối ưu hóa nguồn lực, nhằm tạo đà cho quá trình phát triển bền vững trong tương lai. Các nguồn lực được kết nối và tận dụng hiệu quả để xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đồng thời mở rộng mạng lưới hợp tác với các đối tác chiến lược trong và ngoài nước. 
Một số hoạt động trọng điểm trong giai đoạn này bao gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng khởi nghiệp, MITC đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị thêm các phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu, và không gian làm việc chung nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của sinh viên và cộng đồng khởi nghiệp. Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ĐMST, Nhà trường triển khai chiến lược truyền thông mạnh mẽ, tổ chức các cuộc thi, chương trình huấn luyện và sự kiện nhằm khơi dậy và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng sinh viên. Tăng cường đào tạo chuyên sâu về ĐMST, MITC đã không ngừng cải tiến chương trình đào tạo, bổ sung các khóa học mới, tập trung vào phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng quản trị và ứng dụng công nghệ trong khởi nghiệp. Mở rộng mạng lưới đối tác và hợp tác quốc tế: MITC tích cực hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư từ nhiều quốc gia, tạo ra môi trường kết nối mở, hỗ trợ toàn diện từ việc tư vấn ý tưởng, nghiên cứu thị trường đến tiếp cận vốn đầu tư.
Các chương trình nổi bật và dấu ấn quốc tế
MITC đã từng bước khẳng định vị thế của mình không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Nhà trường hiện là thành viên của Mạng lưới Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng toàn quốc, một nền tảng giúp thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ kiến thức giữa các cơ sở giáo dục hàng đầu về khởi nghiệp.

 Chương trình Huấn luyện – Hành động “Thách thức sáng tạo & đổi mới” do MITC và Làng Design Thinking tổ chức.

Các sự kiện quốc tế như Hội thảo “Xây dựng Trường học Thông minh và Chuyển đổi số trong Giáo dục Đào tạo” đã góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của MITC, đồng thời mở ra cơ hội kết nối và hợp tác sâu rộng. Chương trình Innovation Tour và các khóa huấn luyện “Ignite Innovation – Thắp sáng sự Đổi mới” không chỉ trang bị kiến thức mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho sinh viên và cộng đồng khởi nghiệp.
Cầu nối cho sự phát triển bền vững
Năm 2024, MITC tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong khi ra mắt Mạng lưới Tài năng Địa phương Phú Yên (Phú Yên Local Talent Network). Đây là sáng kiến chiến lược, đồng hành cùng Cộng đồng Design Thingking (Techfest Việt Nam), nền tảng Quản lý Tài sản số MetaDAP, nhằm kết nối các tài năng trẻ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội tại Phú Yên, tạo ra một nền tảng bền vững hỗ trợ cho sự phát triển của các dự án khởi nghiệp địa phương. Mạng lưới này không chỉ giúp quy tụ các tài năng mà còn đóng vai trò là cầu nối giữa ý tưởng sáng tạo và các nguồn lực đầu tư, tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các startup trẻ.

Ra mắt Mạng lưới Tài năng Địa phương Phú Yên (Phú Yên Local Talent Network) 

Hướng đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế
Những thành tựu mà MITC đạt được là minh chứng cho sự đúng đắn trong định hướng phát triển chiến lược của nhà trường. Tuy nhiên, những thách thức vẫn luôn hiện diện khi yêu cầu về đổi mới sáng tạo ngày càng cao và sự cạnh tranh trong lĩnh vực khởi nghiệp ngày càng khốc liệt. Để duy trì và phát triển hơn nữa, MITC đặt mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu miền Trung – Tây Nguyên, đồng thời vươn tầm quốc tế.
Nhà trường cam kết tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, mở rộng hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, MITC sẽ không ngừng cải tiến hệ sinh thái khởi nghiệp của mình, đảm bảo rằng mọi sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp đều có cơ hội phát triển bền vững và thành công.
Phát biểu về hành trình này, TS. Trần Kim Quyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Hiệu nhà trường cho biết: “Hành trình 9 năm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của MITC là sự kết hợp giữa tầm nhìn chiến lược và tinh thần đổi mới không ngừng. Chúng tôi đã và đang nỗ lực tạo ra một môi trường học tập tiên tiến, thúc đẩy tư duy sáng tạo và khát vọng khởi nghiệp cho sinh viên, với mục tiêu đưa MITC trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương và đất nước. Thành công hôm nay là kết quả của sự kiên trì, đồng lòng từ đội ngũ giảng viên, sinh viên và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đối tác. Đặc biệt, sự kết hợp chặt chẽ với các nguồn lực bên ngoài như doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các cơ quan chính phủ đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện, giúp MITC không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng và vươn cao trong thời gian tới."
Khát vọng vươn cao
Trong suốt 9 năm qua, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đã không ngừng nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững. Hành trình này không chỉ là minh chứng cho sự phát triển của một cơ sở giáo dục mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng Phú Yên. Với tầm nhìn chiến lược và những bước đi vững chắc, MITC đang từng ngày góp phần đưa Phú Yên trở thành điểm sáng về khởi nghiệp và phát triển kinh tế bền vững trên bản đồ Việt Nam và quốc tế./.

Nguồn:Chuyendoiso.dangcongsan.vn