VEAM: Lợi nhuận tăng nhẹ, xuất hiện nhiều yếu tố ngoại trừ từ kiểm toán

Tổng Công ty CP Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024, do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY thực hiện. Báo cáo này đã đưa ra nhiều ý kiến ngoại trừ quan trọng.

Trước hết, đến ngày 30/6/2024, VEAM vẫn chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán, tổng trị giá gần 46 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán cho biết không thể thu thập đủ bằng chứng thích hợp cho khoản này.

VEAM: Lợi nhuận tăng nhẹ, xuất hiện nhiều yếu tố ngoại trừ từ kiểm toán
Tổng Công ty CP Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA).

Tiếp theo, VEAM chưa thực hiện đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện của hàng tồn kho tồn đọng và chậm luân chuyển, với trị giá gần 72 tỷ đồng. Đồng thời, một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý với tổng giá trị 466 tỷ đồng (bao gồm chi phí lãi vay, khấu hao, tiền thuê đất của nhà máy xốp đã ngừng hoạt động từ năm 2015 và chi nhánh Bắc Kạn của Công ty CP Vật tư Thiết bị Toàn Bộ (Matexim)) hiện đang được phản ánh trong chi phí trả trước và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan đến dự án đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung vẫn đang tồn đọng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án này có thể phụ thuộc vào phán quyết của cơ quan có thẩm quyền trong tương lai. Ngoài ra, dự án di dời và xây mới nhà máy sản xuất máy kéo nhỏ, được HĐQT VEAM phê duyệt ngày 31/7/2024 với thời gian thực hiện từ quý 4/2026 đến quý 1/2023, vẫn chưa hoàn tất thủ tục gia hạn.

Đơn vị kiểm toán còn lưu ý rằng đến thời điểm lập báo cáo, các cơ quan có thẩm quyền chưa chính thức phê duyệt quyết toán cổ phần hóa của VEAM. Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo cũng chưa ghi nhận giá trị khoản đầu tư vào Công ty TNHH Liên doanh Đầu tư tài chính Thái Bình Dương, trị giá 40 tỷ đồng, do thiếu hồ sơ tài liệu từ các đối tác liên quan.

Về vấn đề tiền thuê đất tại Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp Miền Nam (SVEAM), SVEAM hiện đang tạm ghi nhận tiền thuê đất từ Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai, nhưng chưa phản ánh thông báo nộp tiền thuê đất từ Cục Thuế tỉnh Đồng Nai. VEAM đã gửi công văn kiến nghị tiếp tục áp dụng đơn giá thuê đất ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của VEAM tăng thêm 2.900 tỷ đồng, đạt 30.040 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt chỉ còn gần 370 tỷ đồng, nhưng tiền gửi ngân hàng tăng 27%, lên tới 16.447 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng mạnh, đạt 6.150 tỷ đồng. Tuy nhiên, VEAM đã giảm 39% giá trị đầu tư vào liên doanh liên kết, chỉ còn 3.439 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, trong quý 2/2024, VEAM ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ 5,1%, đạt 1.024 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ giá vốn hàng bán, công ty thu về 170 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 10,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, VEAM đã giảm đáng kể các khoản vay, giúp giảm áp lực chi phí lãi vay xuống 95,8%, và chi phí tài chính cũng giảm mạnh còn 1,63 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm tới 31,7%, chỉ còn 94 tỷ đồng, chủ yếu do lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm. Mặc dù tiền và tương đương tiền cùng đầu tư tài chính ngắn hạn vẫn tăng trưởng so với đầu năm, mức lãi suất thấp đã làm giảm doanh thu từ hoạt động tài chính của VEAM.

Kết quả là, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 2/2024 đạt 1.822 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết – nguồn thu nhập chính của VEAM – tăng 4,4%, đạt gần 2.866 tỷ đồng, giúp công ty lãi ròng 3.258 tỷ đồng, hoàn thành 59,4% kế hoạch năm 2024.

Được biết, VEAM đã góp vốn vào ba công ty liên doanh lớn gồm Honda Việt Nam (sở hữu 30%), Toyota Việt Nam (20%), và Ford Việt Nam (25%), cùng một số công ty liên kết khác. Ba hãng xe này chiếm đến 86% thu nhập hoạt động hợp nhất của VEAM trong năm 2023. Những khoản đầu tư này mang lại nguồn sinh lời ổn định, đạt gần 8.000 tỷ đồng trong năm 2022 và năm 2023 giảm xuống còn 5.600 tỷ đồng do khó khăn chung của ngành.

Hiện tại, thị trường ô tô đang có dấu hiệu khởi sắc, và ba nhà sản xuất chủ chốt này đã đóng góp mức lợi nhuận lớn cho VEAM trong tháng 7/2024. Tuy nhiên, theo dự báo, thị trường có thể sẽ "đi ngang" trong thời gian tới khi các hãng xe tiếp tục duy trì các ưu đãi lớn để đối phó với mùa mua sắm thấp điểm "tháng Ngâu" (tháng Bảy âm lịch).

Nguồn: Kinh tế chứng khoán