Hapro Long Biên 'lui vào bóng tối’ khi hủy tư cách đại chúng, hé lộ các cổ đông lớn

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây đã có thông báo về việc hủy tư cách đại chúng đối với Công ty CP Thương mại – Đầu tư Long Biên, chấm dứt 7 năm có mặt trên sàn chứng khoán của doanh nghiệp này. Với việc hủy tư cách công ty đại chúng, công ty không còn phải tuân thủ khắt khe về công bố thông tin theo quy định của Luật Chứng khoán.

Trước đó trong tháng 8/2024, Hapro Long Biên đã chốt danh sách cổ đông để hủy tư cách công ty đại chúng. Lý do, hiện vốn điều lệ của LBC là 15 tỷ đồng, số cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ cổ phần công ty hiện dưới 100 cổ đông nên theo luật hiện hành, Hapro Long Biên không còn đáp ứng quy định về công ty đại chúng.

Theo đánh giá của một số nhà đầu tư, việc rút lui khỏi sàn chứng khoán khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như "lui vào bóng tối" vì không phải công khai, minh bạch nhiều thông tin quan trọng như công ty đại chúng. Tuy nhiên, mặt tích cực của việc này là doanh nghiệp không phải tốn nguồn lực, thời gian cho việc thực hiện các báo cáo, công bố thông tin... mà tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công ty CP Thương mại - Đầu tư Long Biên ‘lui vào bóng tối’, hé lộ vai trò của Tập đoàn BRG
Đầu tư Long Biên chốt danh sách cổ đông để hủy tư cách đại chúng do không còn đáp ứng các yêu cầu về công ty đại chúng theo quy định hiện hành

Công ty CP Thương mại – Đầu tư Long Biên tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được chuyển đổi mô hình vào năm 2003 theo quyết định của UBND TP. Hà Nội. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ với chuỗi 6 siêu thị Hapromart tại Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội).

‘Vòng đời’ từ chỗ doanh nghiệp Nhà nước đến khi cổ phần hóa về tay tư nhân, niêm yết và rời sàn của Hapro Long Biên ghi nhận nhiều biến động về cơ cấu sở hữu.

Các cổ đông lớn

Cổ đông lớn nhất của Công ty CP Thương mại – Đầu tư Long Biên là Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP (Hapro; UPCoM: HTM). Cụ thể, Hapro hiện sở hữu 30,94% cổ phần LBC, trong đó ông Nguyễn Thái Dũng đại diện 25,94%, ông Vũ Minh Tuấn đại diện 5% cổ phần của HTM tại Đầu tư Long Biên.

Doanh nhân Nguyễn Thái Dũng hiện là Chủ tịch HĐQT của Đầu tư Long Biên. Ngoài việc sở hữu đại diện phần lớn cổ phần cho Hapro, ông Dũng không sở hữu cá nhân bất cứ cổ phiếu nào tại LBC.

Trong khi đó, ông Vũ Minh Tuấn hiện là Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc LBC. Bên cạnh 5% cổ phần sở hữu đại diện cho HTM, ông Tuấn còn sở hữu riêng 29,06% cổ phần tại Đầu tư Long Biên, và là cổ đông cá nhân lớn nhất của Công ty.

Vợ ông Tuấn là bà Lê Thị Lan Hương hiện cũng nắm 3,34% cổ phần Hapro Long Biên. Con trai ông Tuấn là Vũ Minh Tiến hiện sở hữu 10.200 cổ phiếu LBC, tương ứng 0,68% cổ phần Công ty.

Công ty CP Thương mại - Đầu tư Long Biên ‘lui vào bóng tối’, hé lộ vai trò của Tập đoàn BRG
Hapro hiện là cổ đông lớn nhất của Đầu tư Long Biên

Trong danh sách cổ đông lớn của Hapro Long Biên còn có cái tên Vương Lệ Thủy, hiện nắm 7,19% cổ phần Công ty. Cổ đông này rất tích cực gom cổ phiếu LBC trong thời gian qua.

Trong đó lần gần nhất là vào tháng 2 và tháng 3/2024, nhà đầu tư này lần lượt mua 14.009 CP và 5.573 CP, nâng lượng cổ phiếu sở hữu lên 107.822 CP (7,19%). Trước đó, Vương Lệ Thủy chính thức trở thành cổ đông lớn của LBC sau khi gom 25.640 CP vào tháng 5/2023, nâng tỷ lệ sở hữu từ 3,99% lên 5,7%.

Hiện Đầu tư Long Biên là công ty liên kết của Hapro. Trong đó, Chủ tịch HĐQT LBC Nguyễn Thái Dũng hiện cũng đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Hapro.

Trong cơ cấu sở hữu Hapro, cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (nắm 65 % cổ phần). Tiếp đến là Công ty CP Thương mại dịch vụ Hòa Hải (tên cũ là Công ty CP Bất động sản nghỉ dưỡng Quảng Nam, nắm 15,8%); Công ty TNHH Thương mại Ô tô Thành Công (12,68%); Công ty CP Chứng khoán Asean (5,27%).

Công ty CP Thương mại - Đầu tư Long Biên ‘lui vào bóng tối’, hé lộ vai trò của Tập đoàn BRG
Cơ cấu sở hữu của Hapro

Trong khi đó Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam từng được biết đến là cổ đông lớn của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Cường.

Thành lập tháng 7/2005, Motor N.A Việt Nam có trụ sở tại 197A Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây là doanh nghiệp chuyên bán lẻ ô tô, cũng chính là đơn vị sở hữu showroom Honda Ô tô Tây Hồ - Đại lý ủy quyền 5S đầu tiên của Honda tại Việt Nam với diện tích lên đến 6.000 m2.

Năm 2018, UBND TP Hà Nội có chủ trương cổ phần hóa Hapro, Motor N.A Việt Nam được chọn là nhà đầu tư chiến lược mua 143 triệu cổ phần (chiếm 65% vốn Hapro) để trở thành cổ đông lớn nhất tại Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP.

Hapro sở hữu hàng trăm khu đất đáng mơ ước ở Thủ đô, trong đó những khu đất vàng tọa lạc trong khu vực phố cổ.

Theo Quyết định 2393/QĐ-UBND ngày 21/4/2017 do Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký, UBND TP Hà Nội đã giao Hapro tiếp tục quản lý sử dụng 114 cơ sở đất, nhà sau cổ phần hóa. Trong đó, có 96 địa điểm tại Hà Nội và 18 địa điểm ở các địa phương khác. Đáng chú ý có một loạt biệt thự sân golf Montgimerie Links Việt Nam tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Đấu thầu hiệu quả tại Bệnh viện Đức Giang

Trong hoạt động mua sắm công, Hapro Long Biên không tham gia quá nhiều, nhưng đấu thầu rất hiệu quả tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội).

Dữ liệu của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cho thấy, Hapro Long Biên từng tham gia vào 21 gói thầu tại các chủ đầu tư có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trong đó chỉ duy nhất 1 lần trượt thầu. Trong năm 2024, doanh nghiệp này đã trúng cả 3/3 gói tham gia.

Công ty CP Thương mại - Đầu tư Long Biên ‘lui vào bóng tối’, hé lộ vai trò của Tập đoàn BRG
Ông Vũ Minh Tuấn, Giám đốc Hapro Long Biên cùng vợ, con trai đang nắm nhiều cổ phần của Công ty

Điểm dễ nhận thấy trong hoạt động đấu thầu của LBC đó là nhà thầu này là đối tác có ‘truyền thống’ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Trong số 20 gói thầu Hapro Long Biên được công bố trúng, có đến 14 gói tại chủ đầu tư này. Đáng chú ý, có 12/14 gói thầu LBC được chỉ định thầu rút gọn.

Chỉ có 2 gói Hapro Long Biên trúng không phải chỉ định thầu gồm: Gói cung cấp hàng hóa thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật và phục vụ công tác chuyên môn tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (năm 2019, giá trúng thầu 2.589.337.000 đồng); và Gói cung cấp hàng hóa, hóa mỹ phẩm phục vụ công tác chuyên môn tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang năm 2019, giá trúng thầu 1.435.039.200 đồng.

Ngoài ra, Hapro Long Biên còn trúng một số gói thầu tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Trại giam Thanh Xuân.

Về tình hình kinh doanh, cả năm 2023, doanh thu của Hapro Long Biên đạt 158,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022; lãi gộp ở mức 35,2 tỷ đồng, tăng 10,3%. LBC ghi nhận lãi ròng xấp xỉ 7 tỷ đồng, tăng 27,1% so với năm 2022.

Năm 2023, Hapro Long Biên trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%, là mức cao kỷ lục kể từ khi lên sàn chứng khoán.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán