Phú Thọ: Nghi vấn "đất tặc" lộng hành tại huyện Thanh Sơn?

Ghi nhận tại hiện trường, hoạt động khai thác đất tại xóm Láng Mái, xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn diễn ra rầm rộ. Tại đây có 03 máy múc cỡ lớn đang làm việc liên tục để kịp múc cho những xe tải trọng lớn vào “ăn đất” và chở đi.

z3215786245152_9831413a91e599c811654f41283e1e43

Địa điểm khai thác đất tại xóm Láng Mái, xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).

Trong một buổi chiều có đến hàng chục lượt xe tải ra vào khu mỏ, đa số là các xe 3 đến 4 chân với trọng tải lớn, có dấu hiệu quá khổ, quá tải, cơ nới thành thùng.

Sau khi ra khỏi khu vực khai thác, các xe di chuyển thẳng vào một nhà máy gạch (cách đó khoảng 3,5 km) trên địa bàn xã Yên Mông, TP. Hòa Bình (Hòa Bình).

Chị T.T.X, người dân sống tại xóm Láng Mái, xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn cho biết, họ khai thác cũng lâu rồi, từ trước Tết Nguyên Đán.

Xe chở cao có ngọn, không che chắn khiến đất rơi vãi, nắng thì bụi, mưa thì bẩn. Chúng tôi cũng có phản ánh lên xã nhưng được một thời gian lại đâu vào đấy.

z3215778970543_fd489822c53582eaff37308183aea7ae

Xe chở đất có ngọn, không che chắn bịt bạt.

Trao đổi với Phóng viên, ông Hà Mạnh Tưởng, Chủ tịch UBND xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cho biết, trên địa bàn có một đơn vị được huyện cấp phép cải tạo đất rừng để trồng cây chất lượng cao. Sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc chở đất có ngọn và gây bụi bẩn chúng tôi đã tiến hành nhắc nhở đơn vị.

Khi Phóng viên đặt câu hỏi về việc đơn vị có được phép khai thác đất chở vào nhà máy gạch hay không, ông Tưởng cho biết: “Việc chở vào nhà máy gạch là đơn vị có hợp đồng và có đóng thuế khoảng mười mấy nghìn đồng trên một khối, tuy nhiên hợp đồng không có ở đây, tôi sẽ yêu cầu đơn vị cung cấp rồi sẽ gửi lại cho Phóng viên”.

z3215780907612_82614849fdf37a9322882aa9187b163b

Đất từ khu vực khai thác được chở thẳng vào nhà máy gạch trên địa bàn Hòa Bình. 

Ông Đặng Tiến Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cho biết: Tại xóm Láng Mái, xã Tinh Nhuệ được cấp phép san gạt, hạ cốt nền chứ không phải là khai thác khoáng sản. Trong hồ sơ có địa điểm rõ ràng đổ đất dư thừa.

“Trong văn bản chấp thuận của UBND huyện đã nêu rõ về việc giao cho UBND xã Tinh Nhuệ giám sát. Về việc đơn vị chở đất vào nhà máy gạch, Phòng Tài nguyên Môi trường ghi nhận thông tin phản ảnh và sẽ tiến hành kiểm tra lại”, ông Dũng cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, tại văn bản 1192/UBND-TNMT ngày 04/08/2021, ông Nguyễn Duy Yêu được UBND huyện Thanh Sơn chấp thuận phương án cải tạo đất trồng cây lâm nghiệp giá trị cao tại xóm Láng Mái, xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Trong đó có việc vận chuyển đất dư thừa trong quá trình cải tạo.

z3215837266986_b3a89a16f9c6d0ebe32fb3cb17e2cc60

Hoạt động khai thác diễn ra rầm rộ.

Sau đó, ngày 31/12/2021, UBND huyện Thanh Sơn có văn bản sô 2122/UBND-TNMT chấp thuận gia hạn thời gian cho phép vận chuyển đất dư thừa để đắp nền công trình. Với khối lượng đất dư thừa là 4.504 m3, thời hạn 03 tháng kể từ ngày ký văn bản chấp thuận gia hạn.

Trong văn bản nêu rõ, cho phép ông Nguyễn Duy Yêu Được gia hạn thời gian vận chuyển đất dư thừa thi công san gạt, cải tạo mặt bằng, hạ cốt nền đất rừng sản xuất để thực hiện phương án cải tạo đất trồng cây lâm nghiệp giá trị cao tại xóm Láng Mái, xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ để đắp nền thửa đất số 02, tờ bản đồ số 01 của ông Nguyễn Bá Đức tại xóm Giáo, xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn.

Như vậy, có hay không việc lợi dụng cải tạo đất rừng để khai thác khoáng sản trái phép? Làm hủy hoại đến diện tích lớn đất rừng, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: Phapluatplus.vn